Ngày 3/3, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Ngoại tiết niệu - Nam học, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, các bác sĩ tại đây vừa thực hiện một ca phẫu thuật cắt bỏ thận rất đáng tiếc.

Bệnh nhân 65 tuổi vào cấp cứu vì đau nhiều, sờ thấy khối u ở bụng. Bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị sỏi thận biến chứng ứ mủ, ứ nước. Sau làm xạ hình, bác sĩ đánh giá mất chức năng thận, thận đã giãn độ IV. Ê-kíp phẫu thuật nội soi cắt bỏ một bên thận.

Theo người nhà, bệnh nhân bị sỏi thận nhiều năm nhưng tự uống thuốc nam không đi viện điều trị. Suốt 6 tháng qua, cơn đau ngày càng tăng. Khi không chịu nổi, bà mới tìm tới bác sĩ thì bệnh đã nặng.

Một ca phẫu thuật ở Bệnh viện E. Ảnh BSCC.

Bác sĩ Liên cho biết, sỏi thận là những tinh thể rắn hình thành trong thận từ các chất trong nước tiểu. Sỏi có thể nhỏ hoặc lớn lên tới vài cm. 

Sỏi thận có nhiều nguyên nhân và có thể ảnh hưởng bất kỳ phần nào của đường tiết niệu - từ thận đến bàng quang. Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh sỏi thận, hay gặp ở người tầm 40 tuổi trở lên. Sỏi thận thường diễn biến khá âm thầm, ở giai đoạn đầu không có dấu hiệu rõ rệt, bệnh nhân chủ quan, không điều trị sớm nên sỏi to lên.

Biến chứng của sỏi thận gây viêm bể thận cấp, viêm niệu quản, viêm bể thận mạn tính. Viêm bể thận gây nên tình trạng xơ hóa tổ chức kẽ thận, làm giảm chức năng tái hấp thu của thận. Lâu dài, xơ hóa cả cuộn mao mạch cầu thận, gây suy giảm chức năng lọc của thận. Biến chứng ứ mủ bể thận nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm vì đây là cấp cứu nội khoa nặng, có thể hủy hoại nhanh nhu mô thận. Ngoài ra, sỏi thận cũng là nguyên nhân gây vỡ thận.

Bác sĩ Liên thông tin, hiện nay khó khăn cho điều trị sỏi thận từ chính người bệnh khi không đi khám hoặc tự điều trị bằng các phương pháp dân gian, uống thuốc lá. Nhiều người nghĩ sỏi thận có thể tự tan bằng uống thuốc nam. Khi họ tìm đến bác sĩ chuyên khoa, bệnh đã nặng, phải cắt thận hoặc suy thận nặng. 

Sỏi thận có thể điều trị bằng nội khoa hoặc ngoại khoa. Với trường hợp sỏi nhỏ, bác sĩ có thể chỉ định dùng các loại thuốc phù hợp làm giãn cơ niệu quản, đẩy sỏi ra. Nếu sỏi không tự đào thải ra ngoài bằng đường tiểu, các bác sĩ có thể chỉ định can thiệp ngoại khoa bằng cách tán sỏi.
 
Nếu có các triệu chứng như cơn đau nghiêm trọng, đau đi kèm buồn nôn và nôn mửa, sốt và ớn lạnh, nước tiểu có máu, khó tiểu… người dân nên đi khám bệnh ngay.