Chia sẻ với VietnamNet về những trăn trở với ngành công nghiệp hỗ trợ, GS-TSKH Nguyễn Mại cho biết, chúng ta đã nói đến công nghiệp hỗ trợ từ đầu thập niên 2000, khi nói về chuyển hướng mô hình tăng trưởng.

Lúc bấy giờ có tư tưởng cho rằng sẽ là không phù hợp nếu tập trung ngành công nghiệp hỗ trợ ở Hải Phòng và Vũng Tàu. Lúc đó nhiều người đã nghĩ làm công nghiệp hỗ trợ như vậy là không phù hợp bởi vì không thể tập trung tất cả các ngành vào 2 khu như vậy được, người ta nghĩ rằng, ngành công nghiệp hỗ trợ là phải gắn với một sản phẩm chính cụ thể nào đó. Kiểu như nhà máy sản xuất ô tô ở đâu thì các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng phải ở đó…. Đã từng có tư duy như vậy, cho nên chủ trương xây dựng hai khu công nghiệp hỗ trợ ở 2 đầu đất nước từ những năm đầu thập niên 2000 đã thất bại.

Sau giai đoạn đó, chúng ta chuyển hướng sang khuyến khích các địa phương làm công nghiệp hỗ trợ. Nhưng các địa phương đã rất lúng túng.

{keywords}
Khi nói đến công nghiệp hỗ trợ, thì chúng ta đừng ngại, đừng nghĩ trong thời đại hiện nay chỉ có con đường làm thuê cho những ông ở nước ngoài. Ảnh minh họa: Hệ thống Robot tại nhà máy ô tô VinFast. 

Đến khi Samsung vào Việt Nam, họ đã phải kéo theo 87 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ Hàn Quốc vào theo. Từ năm 2007 đến bây giờ là 12 năm. Họ vẫn chủ yếu dùng nhân công của họ. Gần đây đã có một doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ  của Việt Nam đã cung ứng được cho Samsung, nhưng cũng mới dừng ở khâu bao gói, bao bì, những khâu giản đơn nhất. Và chúng ta cũng mới là nhà cung ứng cấp 3, chứ chưa lên được cấp 2.

Kể lại chuyện cũ để thấy chúng ta đã bàn, chứ không phải tới tận hôm nay chúng ta mới nghĩ đến ngành công nghiệp “xương sống” này.

Chúng ta cần hiểu rằng để hình thành chuỗi giá trị toàn cầu không hề đơn giản. Để hình thành chuỗi giá trị này bao giờ cũng phải có một “tiên tri” đứng đầu, kéo theo sau là cả một hệ thống vendor cấp 1, cấp 2 và cấp 3.

Chuỗi giá trị toàn cầu phải tùy từng sản phẩm, để cung ứng cho thị trường khu vực hay thế giới. Ví dụ như như Sam Sung là để cung ứng cho thị trường thế giới và nó phải thích ứng với sự biến động thị trường thế giới và cạnh tranh được với những ông lớn như Apple , Microshop, Nokia… Do đó nếu mình muốn trở thành các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho họ thì cũng phải đầu tư tương ứng.

Samsung có thể nói là rất mừng khi tìm được một thị trường như thành phố Hồ Chí Minh. Ở đó rất nhiều doanh nghiệp đủ sức làm công nghiệp hỗ trợ cho họ. Khi vào đây họ không còn phải mang theo các doanh nghiệp phụ trợ đến từ Hàn Quốc mà có thể bắt tay ngay với các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ của thành phố Hồ Chí Minh giảm giá thành chi phí được rất nhiều.

Việt Nam giờ đây đã đáp ứng được yêu cầu sản phẩm hỗ trợ các ngành ô tô, xe máy, máy giặt, tủ lạnh. Cái cách các các tập đoàn lớn như Vingroup đang áp dụng là một cách làm rất hay. Trong đầu tư nước ngoài hiện nay có một phương thức đầu tư mới gọi là NEM (New economy model) là phương thức đầu tư qua biên giới không góp vốn. Vingroup vừa rồi xây dựng một nhà máy Vinfast cỡ mấy tỷ đô la, xây dựng Vinsmart mấy trăm triệu đô la. Vingroup đã tìm đến, đặt hàng những nhà thiết kế oto hàng đầu thế giới làm theo ý tưởng của Vingroup.

Tập đoàn Vingroup cũng làm Smartphone theo cách như vậy.

Dẫn ra mấy câu chuyện đó, tôi muốn khẳng định rằng, doanh nhân Việt Nam đã tìm được cách đi rất hay, một cách đi mới- đầu tư xuyên biên giới. Có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang bắt tay làm  công nghiệp hỗ trợ cho sản phẩm của Vingroup.

Quan sát những diễn biến đó tôi muốn nhấn mạnh, khi nói đến công nghiệp hỗ trợ, thì chúng ta đừng ngại, đừng nghĩ trong thời đại hiện nay chỉ có con đường làm thuê cho những ông ở nước ngoài. Chúng ta cũng cần phải biết đặt ra hoài bão, có như vậy mới đưa dân tộc ta đi với thời đại. Hà cơ gì không nghĩ đến, không đặt ra những mục tiêu đó.

Nhụy Hà ghi