Dữ liệu dân cư trên nền tảng số phục vụ chuyển đổi số
Phát biểu tham luận tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ TT&TT diễn ra chiều ngày 22/12, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đã chia sẻ về hai dự án quan trọng Bộ này vừa tiến hành là dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp căn cước công dân.
Theo ông Ngọc, trong quá trình thực hiện, Bộ Công an đã phối hợp, trao đổi với nhiều Bộ, ngành để cùng giải quyết khó khăn phát sinh, từ đó rút ngắn được thủ tục và thời gian. Hiện Bộ Công an đã xác lập dữ liệu dân cư của 98 triệu người, trên 50 triệu căn cước công dân và cấp mã định danh cho 100% trẻ em khi sinh. Theo Thứ trưởng Bộ Công an, do thiếu hụt chip nên việc cấp căn cước chậm hơn lộ trình dự kiến.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu tại Hội nghị tổng kết Bộ TT&TT. (Ảnh: Phạm Hải) |
“Trong quá trình thực hiện, Bộ Công an đã xây dựng được bản đồ số dân cư quốc gia, chứng minh rằng dữ liệu dân cư trên nền tảng số phục vụ chuyển đổi số”, ông Ngọc nói.
Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an xây dựng Đề án đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội. Ông Ngọc cho rằng, đề án này được triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hệ thống thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, dữ liệu dùng chung đảm bảo chính xác.
Ngoài ra, có thể khai thác dữ liệu dân cư với các ngành, địa phương để phục vụ phát triển; các dữ liệu dân cư phục vụ khai thác chung, thu phí để tái đầu tư cho các trung tâm dữ liệu. Bộ Công an sẽ phối hợp với Bộ Y tế, Bộ TT&TT xác thực những trường hợp cá nhân, doanh nghiệp đã tiêm vắc xin hoặc đã xét nghiệm để đi lại...
Nói về tầm quan trọng của việc xây dựng dữ liệu, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà bày tỏ mong muốn sẽ làm một cơ sở dữ liệu tích hợp, đồng bộ, thống nhất tập trung về tài nguyên môi trường để phục vụ người dân, tạo nên một tài nguyên thay thế cho các tài nguyên tự nhiên, trước mắt sẽ tập trung vào đất đai.
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà. (Ảnh: Phạm Hải) |
Ông Trần Hồng Hà cũng nhắc đến những khó khăn trong quá trình triển khai hệ thống dữ liệu ngành đó là vấn đề tiếp cận công nghệ, thiết kế tổng thể để xây dựng… do dữ liệu đất đai có tính lịch sử phức tạp, nhiều trường dữ liệu khác nhau và liên quan đến quy hoạch. Trong khi đó, chính sách, định mức đơn giá và cơ chế huy động sự tham gia của các bên có liên quan, đặc biệt là doanh nghiệp để thực hiện cũng là một khó khăn.
Dù vậy, lãnh đạo Bộ TN&MT cho biết ngành đã quyết tâm hoàn thành được cơ sở dữ liệu quốc gia này. “Tôi thấy nó chỉ có hiệu quả khi kết nối được với các cơ sở dữ liệu như cơ sở dân cư, các cơ sở dữ liệu khác, tạo ra sự liên thông và trên cơ sở đó quản lý một cách thống nhất. Bộ TT&TT trên cơ sở tài nguyên số sẽ làm tiếp những điều đó, nhân lên hiệu quả lớn lao hơn rất nhiều để đồng hành cùng nhân dân”, ông Hà nói.
Năm 2022 phải tập trung hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, năm 2022, bên cạnh nhiều việc trong đó có cả chống dịch, nhất định phải làm mạnh hơn về dữ liệu. “Đây là câu chuyện mà tất cả những người làm CNTT-TT, những người trong nghề từ trước đến nay đều biết là “sống còn”. Chúng ta đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, chúng ta cần đẩy mạnh triển khai, mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh: Phạm Hải) |
Theo Phó Thủ tướng, việc triển khai cần đi vào thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Chẳng hạn, nếu chúng ta làm tốt đề án đẩy mạnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ chuyển đổi số quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội, giao Bộ Công an quản lý thì mọi người dân khi đã khai báo thông tin cơ bản về nhân thân chỉ thực hiện một lần duy nhất, không đến bất kỳ cơ quan nhà nước nào và thậm chí là các doanh nghiệp cung cấp những dịch vụ thiết yếu, quan trọng như điện, nước... cũng không phải khai báo lại.
“Năm 2022 tập trung làm bằng được, cơ bản phải hoàn thành cơ sở dữ liệu về tài nguyên và đặc biệt quan trọng ở Việt Nam, đó là tài nguyên đất đai. Nếu chúng ta hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai sẽ tạo tác động lớn trong xã hội, không kém gì câu chuyện chúng ta vừa làm với thanh toán điện tử”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đã nhiều năm rồi chưa làm được dữ liệu đất đai, năm 2022 phải quyết tâm làm được. “Tôi nghĩ làm được 3 cơ sở dữ liệu lớn đó, cộng với đẩy mạnh thanh toán điện tử thì chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số, chúng ta sẽ có những bước tiến thực chất. Chúng ta đã làm được rất nhiều việc. Có những việc trước đây chúng ta làm riêng lẻ thì năm 2022 này sẽ là năm kết nối lại để thành kết quả rõ rệt”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhóm phóng viên
Việt Nam đặt mục tiêu có 10 doanh nghiệp công nghệ số đạt doanh thu trên 1 tỷ USD
Việt Nam đặt mục tiêu hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số, có năng lực cạnh tranh quốc tế và có doanh thu trên 1 tỷ USD vào năm 2025.