- "Nối hai thế kỉ" là triển lãm đầu tiên của họa sĩ Phạm Lực tại Việt Nam, cũng là triển lãm hiếm hoi trưng bày một bộ sưu tập gồm 70 bức họa.

TIN BÀI KHÁC


Khai mạc triển lãm của họa sĩ Phạm Lực tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chật ních những cán bộ cao cấp, những nghệ sĩ trong giới hội họa Việt Nam và báo giới. Bởi đó là một triển lãm hiếm hoi trưng bày một bộ sưu tập gồm 70 bức họa trong số hàng nghìn bức của họa sĩ Phạm Lực, trải dài khoảng 60 năm. Nhà sưu tập là TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

"Ước mơ và hiện thực" (2003, tranh sơn dầu)

"Tôi cho rằng điều này là vô cùng đáng mừng, khi một chính khách lại quan tâm đến nghệ thuật như vậy. Điều ấy là cực hiếm, đối với thế giới là bình thường nhưng ở VN thì rất hiếm. Không chỉ yêu, ông còn có hiểu biết, bỏ thời gian chăm sóc nó. Những bức tranh này lâu lắm tôi mới được nhìn. Nhà sưu tập đã giữ rất cẩn thận" - họa sĩ Phạm Lực trả lời báo chí.

Gần 10 phóng viên vây quanh ông với những câu hỏi kéo dài tới nửa tiếng đồng hồ nhưng có một người còn bận hơn ông trong buổi khai mạc. TS Nguyễn Sĩ Dũng không có nhiều thời gian dành cho các phóng viên. Ông đích thân dẫn các Đại sứ tại Hà Nội đi tham quan triển lãm, đích thân chỉ vào từng bức tranh và thuyết minh bằng tiếng Anh.

Nhà sưu tập - TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

TS Nguyễn Sĩ Dũng viết lời bạt: "Mẹ ông, bà Nguyễn Thị Chương là chắt của đại thi hào Nguyễn Du. Có thể đây là nguồn sốc sâu xa của tài năng mà ông có được... Phạm Lực mô tả cuộc sống bằng đường nét và màu sắc. Cuộc sống mà ông mô tả là những gì diễn ra trong thế kỉ XX và một phần của thế kỉ XXI. Đây là khoảng thời gian của muôn vàn những sự kiện, những xô đập và biến động. Trong một bối cảnh như vậy, rất nhiều điều về thân phận con người, về sướng khô của kiếp chúng sinh rất dễ bị bỏ qua, bị quên lãng...

Tranh của họa sĩ mô tả những góc khuất của chiến tranh, những cảnh làm ăn tần tảo, những trạng thái tâm lý đa dạng, đa chiều của người dân đất Việt... Là sự kết hợp kỳ tài giữ kỹ thuật của hội họa Pháp và hội họa truyền thống Việt Nam".

Họa sĩ Phạm Lực trả lời báo chí

Cuộc gặp của TS Nguyễn Sĩ Dũng và họa sĩ Phạm Lực diễn ra khá tình cờ cách đây gần 20 năm. "Đó là một người yêu tranh - họa sĩ Phạm Lực nhớ lại: "Trong một chuyến công tác, ông đi qua đường thấy tôi đang phơi một bức tranh cô gái màu đỏ. Ông dừng lại mua và lập tức quay về tặng vợ. Bà hỏi "Sao ông mới đi mà đã có quà?", ông Dũng bảo 'Tôi mua vì ông họa sĩ này vẽ lạ lắm'. Sau rồi chúng tôi chơi thân với nhau."

Tranh của Phạm Lực được các nhà sưu tập quan tâm từ nhiều năm gần đây. Ông vẽ liên tục không ngừng nghỉ, số lượng lên tới hàng ngàn bức trong đó có nhiều bức thất lạc, bị mối mọt xông. "Tôi bị huyết áp cao từ năm 14 tuổi, nếu dừng vẽ là sẽ ốm, mà tôi cũng không biết làm gì khác ngoài vẽ. Tôi vẽ nhanh lắm, chỉ một lần là xong, sai cũng không sửa".

Phóng viên đặt câu hỏi về sự phong phú các chất liệu từ sơn mài, tranh lụa đến sơn dầu..., ông lại tâm sự "Thời kì gian khổ trong quân ngũ, không có gì để vẽ tôi phải vẽ trên cả bao tải. Đến bây giờ, không ngờ bao tải lại trở thành quý giá. Số lượng tranh về các chất liệu khác nhau khá cân bằng. Cách làm việc là khi đã vẽ nhiều sơn mài... mùi sơn gây mệt mỏi, thì lại lên gác trên vẽ lụa, khắc gỗ. Cứ thế mà đã vẽ đến hàng nghìn bức không đếm xuể."


Phố cổ xuân về (1998, sơn mài)

Với phạm vi 70 bức trong triển lãm cũng thấy được sự phong phú trong thể hiện của họa sĩ 70 tuổi này. Ngoài sự phong phú về chất liệu, màu sắc, còn có sự phong phú về bút pháp. Ông vẽ tự do, đường nét buông thả đầy cảm xúc, ở đó có tranh chân dung, tranh trừu tượng, một ít tả thực, một ít mang phong cách thư pháp, thủy mặc.

"Hội họa Việt Nam bị ảnh hưởng bởi Châu Âu, bởi các thầy của Pháp đã dạy các thầy mình. Nhưng cũng có những nét của hội họa Á Đông - những tranh thủy mặc của Tàu, nét rất đen như bạn thấy. Tôi cũng bị ảnh hưởng bởi bộ tứ "Nghiêm, Liên, Sáng, Phái", nhưng tôi khác ở chỗ vẽ nhiều và khổ lớn. Thời các cụ mình còn nghèo khó nên toàn phải vẽ khổ nhỏ" - Phạm Lực cười khi nói về tranh phố cổ, tranh Hà Nội của mình.

"Việt Nam trải qua chiến tranh, người ta gọi đó là cuộc chiến tranh nhân dân, nghĩa là không có tiền tuyến, không có hậu phương như ở Nga, Đức, Pháp. Máy bay có thể ném bom mọi nơi, người ta chống trả ở mọi nơi. Và nỗi buồn, nỗi khổ nhất thì người phụ nữ Việt Nam gánh vác. Tôi vẽ về tình mẫu tử, về những người phụ nữ Việt Nam - đó chủ định chính, bao trùm và nhiều nhất trong tranh của tôi".

Chân dung tự họa (1997, sơn dầu)

Ông giải thích thêm về một số lượng lớn những bức tự họa: "Chân dung tự họa thì thay cho nhật kí những lúc vui, buồn, ốm đau, cả khi thất tình... Tôi cũng chưa có cho mình bức tranh ưng ý nhất. Một bức tôi cũng rất ưng là bức vẽ mẹ (bà Nguyễn Thị Chương - PV) nhưng đã đưa về quê mất rồi dù nhà sưu tập Hà Lan lúc trước rất muốn mua. Đó là một bức sơn dầu đơn giản với màu nâu đen, mấy quệt thôi mà rất giống. Bây giờ chụp ảnh lên cũng không được vì thời gian đã làm phai màu".

"Địu con đi cày" (2000, sơn dầu)

Ngủ vùi sau trực chiến (1969, thuốc nước)

Nữ dân quân chở con trên xe đạp (1966, sơn dầu)

"Thiếu phụ bán cá" (2002, sơn dầu)

"Gia đình hạnh phúc" (2001, sơn mài)

"Thiếu nữ khỏa thân 4" (2001, sơn mài)

Triển lãm tranh của họa sĩ Phạm Lực mang tên "Nối hai thế kỉ" sẽ kéo dài đến hết ngày 29/03, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Hồ Hương Giang
Ảnh: Angellittlefire