Ngao ngán khi các tập đoàn thương mại điện tử không kiểm duyệt chặt chẽ
Chỉ cần dạo quanh các website thương mại điện tử như Lazada, Shopee hoặc shop của Zalo, người dùng dễ dàng tìm thấy các mặt hàng công nghệ với giá cực rẻ.
Tuy nhiên, đây không phải là hàng chính hãng mà là các loại hàng nhái, hàng giả núp bóng là hàng công ty theo lời giải thích của các chủ shop khi giá hời được cho là đánh lừa người dùng.
Các mặt hàng không thương hiệu hoặc thương hiệu lạ, người dùng nên cân nhắc kỹ hoặc không nên mua vì chất lượng không bảo đảm.
Đối với mặt hàng đã có thương hiệu thì người dùng nên "chọn mặt gởi vàng" trước khi mua online vì hàng nhái đang tràn lan trên thị trường.
Cụ thể như khi tìm mua tai nghe JBL T450BT trên Lazada, các bạn dễ dàng tìm được với mức giá chỉ khoảng 285 ngàn đồng trong khi giá của cửa hàng chính hãng hiện nay khoảng 1,6 triệu đồng.
Tai nghe Bluetooth JBL có giá rẻ giật mình! (Ảnh minh họa: Trần Phương).
Thử tìm mặt hàng khác như SSD Kingston A400 120GB chẳng hạn, với mức giá 380 ngàn đồng là có thể mua được một ổ trong khi giá chính hãng đang được bán ở Phong Vũ là 590 ngàn đồng.
SSD giá siêu rẻ nhưng không phải là hàng chính hãng. (Ảnh minh họa: Trần Phương).
Mức giá này dễ khiến người dùng lầm tưởng mặt hàng đang được áp dụng chính sách giảm giá nhân dịp cuối năm nên không đề phòng và có thể chọn mua.
Thậm chí, điện thoại Samsung Galaxy Note 10 Plus đang được rao bán với giá khoảng 3 triệu đồng hoặc iPhone 11 Pro Max có giá 3,3 triệu đồng trên Zalo Shop.
Phát hoảng với giá của Samsung và iPhone trên Zalo Shop. (Ảnh minh họa: Trần Phương).
Với mức giá này chỉ có thể lừa được những người dùng ham rẻ và ít am hiểu về công nghệ và sản phẩm.
Cách để phân biệt hàng nhái, hàng giả trên trang web thương mại điện tử
Người dùng nên biết rằng "tiền nào của nấy", không thể có mặt hàng đang hot trên thị trường mà được bán với mức giá chênh lệch đến hơn 50%.
Trên các website thương mại điện tử sẽ có các cửa hàng chính hãng, tên thường đi kèm chữ official, các bạn có thể yên tâm khi chọn mua.
Hãy xem kỹ tên và miêu tả của sản phẩm, ví dụ như SSD Kingston A400 120GB là hàng chính hãng trong khi các shop tung quả mù cho hàng nhái bằng tên SSD Kingston Now A400 120GB.
Cách đặt tên để "lách luật" của chủ shop. (Ảnh minh họa: Trần Phương).
Mẹo là bạn hãy search tên sản phẩm xem có đúng như tên trong website của hãng sản xuất hay không, nếu sai thì lập tức bỏ qua.
Bạn nên chọn các shop có ảnh chụp thực tế khui hộp sản phẩm, so sánh thiết kế và cách đóng hộp giúp bạn có thể nhận diện được hàng nhái.
Ảnh bên trái là hàng thật, bên phải là hàng nhái. Dựa vào hộp đựng có thể đánh giá được hàng thật và hàng giả. (Ảnh minh họa: Trần Phương).
Các bạn có thể xem hình ảnh hoặc các clip trên youtube để biết được hộp chính hãng có thiết kế và phụ kiện bên trong như thế nào.
Cách quét QR Code hoặc Barcode trên bao bì cũng là phương pháp kiểm tra xem có phải là hàng chính hãng hay không.
Trên bao bì của hàng chính hãng sẽ đi kèm QR Code hoặc Barcode để người dùng kiểm tra. (Ảnh minh họa: Amazon).
Ngoài ra, người dùng sau khi mua hàng hãy bỏ chút thời gian đánh giá chất lượng shop và viết nhận xét về sản phẩm mình đã mua để giúp người mua hàng sau có quyết định chính xác hơn.
Hãy chung tay vì cộng đồng thương mại điện tử vững mạnh
Các tập đoàn thương mại điện tử cần kiểm duyệt gắt gao hơn các mặt hàng được đăng tải trên website của mình để người dùng có thể an tâm khi mua hàng.
Trong chính sách bán hàng, tập đoàn nên yêu cầu người bán chụp ảnh thực tế sản phẩm nhất là bao bì và cách đóng hộp.
Mỗi website cần có chính sách cam kết đền bù thiệt hại rõ ràng cho khách hàng nếu mua phải hàng nhái, hàng giả.
Muốn thương mại điện tử phát triển cần có sự chung tay của cả người dùng lẫn doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: Brands Vietnam).
Người dùng nếu mua hàng giả cần tố cáo shop và liên hệ hotline của các trang thương mại điện tử để giải quyết chứ đừng im lặng tiếp tay cho hàng giả.
Thương mại điện tử phát triển mạnh có lợi cho cả người dùng lẫn doanh nghiệp nên mọi người hãy cùng góp sức để loại hình kinh doanh này ngày càng phát triển.
Theo Đời sống & Pháp lý/ Báo Pháp luật & Xã hội