Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 2200/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2021 đến 2030”.
Theo đó, mục tiêu là tiếp tục phát triển Toán học Việt Nam bền vững và mạnh mẽ về mọi mặt: nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo, tương xứng với tiềm năng trí tuệ của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cùng đó, đưa Toán học trở thành một bộ phận hữu cơ trong sự phát triển chung của khoa học, công nghệ và kinh tế - xã hội; nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Cụ thể, đến năm 2030, phấn đấu có 5 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong top 500 của thế giới về lĩnh vực Toán học, trong đó có ít nhất 2 cơ sở được xếp hạng trong top 400.
Bên cạnh đó, tăng gấp đôi số lượng công bố trên các tạp chí trong danh mục tạp chí có uy tín trên thế giới (tạp chí SCIE) so với giai đoạn 2010 - 2020;
Tăng gấp đôi số lượt nhà khoa học nước ngoài (bao gồm cả người Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài) đến làm việc, trao đổi và hợp tác khoa học được hỗ trợ từ Chương trình so với giai đoạn 2010 - 2020;
Phấn đấu có ít nhất 5 hướng nghiên cứu chủ đạo về Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp, với đội ngũ có năng lực thực hiện các chương trình, hợp đồng nghiên cứu - phát triển với nhà nước, doanh nghiệp;
Hỗ trợ, phối hợp và tham gia đào tạo khoảng 400 tiến sĩ ngành Toán, Toán ứng dụng và Thống kê, trong đó 50% nghiên cứu sinh có ít nhất 02 công bố trên các tạp chí SCIE;
Đào tạo, bồi dưỡng khoảng 80% giảng viên, giáo viên Toán cốt cán của các cơ sở giáo dục đại học, THPT đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình đào tạo, chương trình giáo dục phổ thông mới.
Các đại biểu tham dự lễ lễ tổng kết Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010-2020 và Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán ngày 23/12. Ảnh: Thanh Hùng |
Để đạt được những mục tiêu trên, trong thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo một số nội dung như sau:
Thứ nhất, thúc đẩy công bố công trình Toán học chất lượng cao qua việc thiết lập hệ thống giải thưởng đối với các nghiên cứu xuất sắc để nâng cao chất lượng công bố; hỗ trợ giảng viên, giáo viên trẻ thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng Toán học. Duy trì và phát triển các nhóm nghiên cứu, hướng nghiên cứu mạnh truyền thống, đồng thời hỗ trợ hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước và các nhóm nghiên cứu hỗn hợp trong nước - quốc tế, đặc biệt ở các hướng nghiên cứu hiện đại, liên ngành. Hỗ trợ xây dựng và phát triển tạp chí về Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp được xếp trong danh mục các tạp chí uy tín trên thế giới (ECSI/Scopus).
Thứ hai, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng Toán học, chú trọng phát triển một số lĩnh vực có nhu cầu cao trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Theo đó, tổ chức thường xuyên các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, các nhóm làm việc phối hợp giữa Trường/Viện - Nhà nước - Doanh nghiệp về các chủ đề Toán ứng dụng và Toán trong công nghiệp;
Ưu tiên bố trí kinh phí cho các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng Toán để giải quyết các vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội như: trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, bảo mật và an toàn thông tin, vận trù học, môi trường và biến đổi khí hậu.
Tham gia đào tạo nhân tài, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển các công nghệ cốt lõi của chuyển đổi số có hàm lượng Toán học cao như: trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), mật mã và an toàn thông tin, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, vận trù học.
Xây dựng trung tâm dữ liệu lớn phục vụ nghiên cứu tư vấn, phân tích và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Thứ ba, hỗ trợ triển khai chương trình giáo dục phổ thông môn Toán.
Cụ thể, tham gia nghiên cứu và tổ chức các diễn đàn trao đổi về các mô hình, phương pháp giáo dục Toán học hiện đại và đề xuất cho Việt Nam. Triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng sinh viên, học viên sư phạm ngành Toán, giáo viên môn Toán cốt cán, giáo viên trung học phổ thông chuyên Toán, trong đó chú trọng tính chất liên ngành, kết nối với các môn học khác.
Ngoài ra, hỗ trợ đào tạo tài năng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Toán; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo Toán học,...
Thủ tướng giao Bộ GD-ĐT là cơ quan chủ trì thực hiện chương trình. Bộ GD-ĐT có nhiệm vụ: chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan lập kế hoạch, hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện; định kỳ sơ kết, tổng kết báo cáo Thủ tướng. Cùng đó, giao Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán là đơn vị thường trực điều phối thực hiện Chương trình.
Thời gian thực hiện chương trình từ năm 2021 đến năm 2030.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/12.
Thanh Hùng
Toán học Việt Nam trong top 40 thế giới
Toán học Việt Nam được xác định ở vị trí trong khoảng 35-40 trên thế giới và đứng đầu trong khối ASEAN (chỉ xét đến tiêu chí số lượng công bố quốc tế).