- Ung thư các xoang mặt chỉ những thương tổn ở vùng hàm, mũi, mặt. Các xoang mặt bao gồm: xoang sàng trước và sau, xoang hàm, xoang bướm, xoang trán. Hay gặp nhất là ung thư xoang sàng, xoang hàm. Chỉ cần một trong hai xoang bị ung thư thì có thể sẽ lan toả ung thư vào các xoang lân cận.
Ung thư vòm họng 'đánh lừa' bạn như thế nào?
Cô gái 23 tuổi ngỡ ngàng khi biết bị ung thư vòm họng
Hướng điều trị mới viêm mũi, viêm xoang
Thực ra thuật ngữ “ung thư các xoang mặt" cũng chưa thật chính xác về mặt giải phẫu định khu bởi vì các u ác tính ở vùng này thường xuất hiện từ xương hàm trên, hoặc từ vung lân cận xương hàm trên, chẳng hạn như ung thư tiên phát có thể từ xoang sàng trước, hoặc xoang sàng sau hoặc từ xương khẩu cái.
Ung thư có thể xuất phát từ xoang sàng sau hoặc từ ranh giới của xương hàm trên là hay gặp nhất, từ đó ung thư lan vào xoang hàm.
Phân loại ung thư các xoang mặt:
Có ba loại ung thư các xoang mặt như sau: Ung thư thượng tầng cấu trúc, ung thư trung tầng cấu trúc, ung thư hạ tầng cấu trúc.
Ung thư thượng tầng cấu trúc
Đề cập đến hai loại là ung thư vùng xoang sàng trước và xoang sàng sau, xuất phát từ các tế bào sàng. Thực tế loại u này thường xuất hiện ở vùng ranh giới giữa xoang sàng và xoang hàm nên còn gọi là “ung thư ranh giới”.
Ung thư xoang sàng trước: Hay gặp là ung thư biểu mô malpighi và ung thư biểu mô trụ.
- Ung thư biểu mô Malpighi:
Đây là loại ung thư biểu mô không biệt hoá, các tế bào ung thư biểu mô này có hình trụ hoặc dài, thường có phân bào và nhân to. Một số ít trường hợp là ung thư biểu mô ít biệt hoá và rải rác, có thể có cầu sừng.
- Ung thư biểu mô trụ:
Ung thư biểu mô trụ được phát hiện trên một niêm mạc xoang sàng khi chưa phát triển đến giai đoạn dị sản Malpighi.
Ung thư xoang sàng sau: Phát sinh từ nhóm sau các tế bào sàng, tức là nhóm ở phía sau và trên xương cuốn giữa (đây là nhóm tế bào sàng sau, nhóm tế bào sàng khẩu cái và nhóm tế bào sàng bướm) có thể lan rộng đến màng não cứng. Trái lại ung thư xoang sàng trước vì còn một khoảng cách xương giữa sàng trước và sàng sau, nên ít lan đến màng não cứng.
Ung thư xoang sàng sau có khả năng lan rất nhanh ra ngoài, vì mảng xương giấy khá mỏng, dễ bị phá huỷ, u lan vào hốc mắt, nên khi bao tenon đã bị thâm nhiễm có thể phải khoét bỏ nhãn cầu.
Ở phía sau là xoang bướm nên dễ bị bội nhiễm hơn là bị ung thư thâm nhiễm, nếu u đã lan vào mặt trước và sàng xoang bướm rồi thì phải cắt bỏ hai phần này. Ở phía trong u thường thâm nhiễm mảnh sàng và mảng đứng xoang sàng để lan sang phía đối diện
Ung thư trung tầng cấu trúc
Là ung thư xoang hàm bắt đầu từ niêm mạc hoặc vách xương của xoang hàm. Thống kê của nhiều tác giả còn nhiều điểm khác nhau, một số nhận xét rằng ung thư xoang hàm ít gặp hơn xoang sàng. Theo nhận xét bước đầu, ung thư xoang sàng chiếm tỷ lệ nhiều hơn ung thư xoang hàm.
Ung thư hạ tầng cấu trúc
Hay còn gọi là ung thư thể răng, ung thư răng miệng để nói rõ vị trí ung thư và sự liên quan với chuyên khoa răng hàm mặt. Thương tổn do ung thư gây ra thường xuất phát từ ranh giới ổ răng của xương hàm trên. Loại ung thư này dễ phát hiện được ở giai đoạn sớm do triệu chứng rõ ràng, trừ một số trường hợp cá biệt (khi bệnh đã lan rộng khó kiểm soát) thì việc xác định được ung thư tiên phát là rất khó khăn.
Trên đây là cách phân loại ung thư các xoang mặt để bạn có thể nắm chắc về căn bệnh này và có những cách chữa trị, nhận biết, phòng tránh… được hiệu quả hơn.
Thái Thị Hậu