Sáng 21/8, tại Quảng Nam đã diễn ra lễ tổng kết và trao giải thưởng hội thi tin học trẻ toàn quốc lần thứ 28. Năm nay, vòng chung kết có sự hiện diện của 170 thí sinh đến từ 38 tỉnh, thành trong cả nước.
Một trong những dự án được đánh giá cao của ban Giám khảo, đó chính là dự án phần mềm ứng dụng kỹ thuật nhận dạng cử chỉ trong dạy học, cho học sinh khuyết tật vận động ở cấp tiểu học, do hai bạn học sinh Đinh Thành Nhật và Trần Đình Phước (học sinh lớp 11, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn – TP Đà Nẵng). Dự án này cũng là 1 trong 5 giải Nhất của hội thi lần này.
Bạn Đinh Thành Nhật chia sẻ: “Ở khu vực chợ gần nhà, thỉnh thoảng em đi chợ mua đồ giúp mẹ và nhìn thấy những người khuyết tật.
Em tự hỏi một người lành lặn như mình có thể sử dụng chiếc máy tính một cách dễ dàng, chỉ việc gõ phím và di chuột, vậy còn những người khuyết tật vận động thì sao?
Chúng em nhận thấy rằng việc sử dụng máy tính hiện nay đang phụ thuộc rất nhiều vào chuột và bàn phím, điều này lại gây khó khăn cho người khuyết tật vận động.
Từ đó, chúng em bắt đầu với câu chuyện dạy học cho học sinh khuyết tật vận động ở cấp Tiểu học. Đó là những bạn nhỏ khuyết tật một tay hoặc cả hai tay, và phần mềm ứng ụng kỹ thuật nhận dạng cử chỉ trong dạy học cho học sinh khuyết tật ra đời”.
Theo Thành Nhật, sản phẩm của nhóm sẽ hướng đến giáo dục cho các bạn học sinh Tiểu học, cũng như giúp những người khuyết tật vận động tiếp cận được với chiếc máy tính bằng phương thức, sử dụng khuôn mặt một cách miễn phí, không cần đến những công cụ hỗ trợ khác mà chỉ cần một chiếc máy tính có webcam hoặc camera rời.
Về cách thức hoạt động, tất cả các hoạt động điều khiển chương trình đều thực hiện bằng cử chỉ khuôn mặt (hoặc bàn tay) phía trước webcam, không cần sử dụng chuột hoặc bàn phím trong lúc dùng chương trình.
Học sinh đưa khuôn mặt (hoặc bàn tay) lên trước webcam, để máy tính có thể nhận diện được khuôn mặt (hoặc bàn tay). Khi đó điểm giữa của đầu ngón tay trỏ và ngón tay cái (hoặc điểm giữa dọc theo sống mũi) sẽ được chương trình nhận dạng, tương đương như là con trỏ chuột máy tính (chấm đen ở trên màn hình).
“Từ đó, quy ước con trỏ chuột là chấm đen và hành động chạm hai đầu ngón tay giữa và trỏ, dành cho các bạn khuyết tật một tay, hoặc mở miệng dành cho các bạn khuyết tật 2 tay, tương đương với việc bấm nút trái chuột trên con chuột”, Nhật nói.
Nhật chia sẻ thêm: “Em rất tự hào vì những nỗ lực của nhóm trong suốt một thời gian dài. Đạt giải thưởng lần này em và Phước đều rất vui. Em hy vọng rằng em và Phước sẽ cùng nhau phát triển sản phẩm hoàn thiện và tốt hơn nữa để hướng đến thế giới và tương lai”.
Năm nay, ban Tổ chức đã trao 5 giải Nhất cho 6 bảng (1 bảng không có giải Nhất). Giải Nhất Bảng A thuộc về Lê Kỳ Nam đến từ Hà Nội. Giải Nhất Bảng B thuộc về Lê Viết Nam Khôi đến từ TP.HCM. Trong khi đó, giải Nhất Bảng C1 thuộc về Nguyễn Đức Thắng (Phú Thọ), giải Nhất Bảng C2 là Trần Vinh Khánh (Quảng Trị). Còn giải Nhất Bảng D3 thuộc về Đinh Thành Nhật và Trần Đình Phước của TP Đà Nẵng.
Mỗi giải Nhất được nhận Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo do Ban Chấp hành Trung ương Đoàn trao tặng, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, kèm theo phần thưởng tiền mặt trị giá 3 triệu đồng.
Cùng với đó, có 14 giải Nhì, 30 giải Ba và 79 giải Khuyến khích.
Về giải tập thể toàn đoàn, giải Nhất dành cho Thành đoàn Đà Nẵng, giải Nhì là Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh và giải Ba là Tỉnh đoàn Quảng Trị. Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh đạt Giải thưởng đơn vị tổ chức hội thi cấp tỉnh tốt nhất.
Hội thi Tin học trẻ toàn quốc do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam và hội Tin học Việt Nam phối hợp tổ chức từ năm 1995. Vòng khu vực hội thi năm nay với sự tham dự của 1.072 thí sinh (tăng 20% so với năm 2021), trong đó 796 thí sinh được lựa chọn từ hội thi cấp tỉnh, thành và 276 thí sinh tự do thông qua vòng Sơ khảo của Ban Tổ chức theo hình thức trực tuyến. 170 thí sinh đã được lựa chọn vào Vòng chung kết. |