7.jpg
Các nhà đầu tư và doanh nghiệp phần mềm thảo luận tại hội thảo "Thương mại công nghệ" ở TP.HCM ngày 14/10.

Phát biểu tại hội nghị ‘Thương mại công Nghệ’ diễn ra ngày 13 và 14 tháng 10 tại TP.HCM, ông Ash Bhardwaj, chủ tịch công ty InfoNam cho rằng mặc dù ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam đã có 10 năm phát triển và tạo được dấu ấn, nhưng thế giới vẫn chưa biết nhiều về năng lực của Việt Nam trong lĩnh vực này.

“Vì thiếu thông tin, họ không biết đầu tư vào là tốt hay xấu”, ông Ash Bhardwaj nói.

Bên cạnh đó, chủ tịch công ty InfoNam nhận xét Việt Nam còn thua các nước trong khu vực như Trung Quốc và Thái Lan về các điều kiện khác như hạ tầng gia thông, thủ tục hành chính liên quan đến visa hay nhập khẩu máy móc thiết bị, tốc độ đường truyền Internet.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Lệ, Giám đốc công ty phần mềm TMA cho rằng vấn đề mấu chốt ở đây là do Việt Nam đang thiếu một tổ chức, người truyền thông cho ngành phần mềm đến với các nhà đầu tư nước ngoài. Theo ông, trong 10 năm qua, cơ sở hạ tầng phần mềm ở Việt Nam rất tiến bộ, chẳng hạn nguồn điện ở Việt Nam tốt hơn Ấn Độ và Trung Quốc rất nhiều. Băng thông rộng của Việt Nam hiện đã đáp ứng được 8Mbps mà giá vẫn không thay đổi so với thời tốc độ 256Kbps.

“Thế nhưng, do thiếu  sự truyền thông nên những nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam vẫn chưa nắm được những vấn đề đó”, ông Lệ nói.

Ông Chu Tiến Dũng, Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung cũng cho rằng cách nhìn nhận về các chính sách và cơ sở hạ tầng cho công nghiệp phần mềm của Việt Nam ở các nhà đầu tư chưa hoàn toàn đúng và cần phải xem lại.

Theo ông Dũng, đúng là cơ sở hạ tầng tại Việt Nam cần tiếp tục cải thiện nhưng phải nhìn nhận rằng tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, đặc biệt là băng thông rộng và Internet, đã có chuyển biến rất tích cực. Nếu như năm 2000, chỉ có một mình VNPT cung cấp dịch vụ Internet thì hiện nay đã có hàng chục nhà cung cấp với tốc độ kết nối đi quốc tế nhanh hơn và giá cũng rẻ hơn nhiều.

Tại công viên phần mềm Quang Trung, ông Dũng cho biết “khi nào doanh nghiệp có được băng thông Internet như mong muốn thì ban quản lý công viên mới tiến hành ký kết hợp đồng”.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, chính phủ cũng đã dành rất nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư vào ngành phần mềm. Các chủ đầu tư được cấp visa luôn thời hạn 3 năm và phía nhận đầu tư ở Việt Nam sẵn sàng trợ giúp các thủ tục này.

Việc nhập khẩu thiết bị trong ngành phần mềm có nhiều đặc thù nên gây ra gặp khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Dũng cho biết “Chính phủ cũng đã xem xét để điều chỉnh phù hợp hơn”.