- Các chuyên gia giao thông cho rằng việc Cục hàng không đề nghị triển khai kế hoạch đưa tàu bay đậu qua đêm ở sân bay Cần Thơ để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất là phí lý, o ép doanh nghiệp vận tải hàng không trong nước.

Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ (TS) Nguyễn Bách Phúc - Chủ tịch Hội tư vấn khoa học Công nghệ và Quản lý HASCON, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học EEI cho biết, mới đây ông nắm được thông tin Cục hàng không Việt Nam đề nghị các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco sớm triển khai kế hoạch đưa tàu bay đậu qua đêm ở sân bay Cần Thơ, nhằm giảm tải cho Tân Sơn Nhất.

{keywords}
Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ 

Trước đó, Phó cục trưởng Cục hàng không Võ Huy Cường trao đổi với một tờ báo rằng thực hiện yêu cầu đưa tàu bay đậu qua đêm ở sân bay Cần Thơ để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, hãng hàng không phải sắp xếp lại lịch bay, các chuyến bay trong khuôn khổ Tân Sơn Nhất điều phối được vẫn đến sân bay này bình thường. Còn lại bố trí các chuyến bay cuối ngày về sân bay Cần Thơ đỗ qua đêm, sáng hôm sau sẽ khởi hành đi các tỉnh phía Bắc tại đây, chứ không phải khởi hành từ Tân Sơn Nhất.

TS Nguyễn Bách Phúc cho rằng, việc Phó cục trưởng Cục hàng không phủ nhận việc "sơ tán" xuống Cần Thơ rồi lên lại Tân Sơn Nhất để đón khách là...rất lạ.

“Máy bay như vậy chở khách đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất rồi cất cánh đáp xuống sân bay Cần Thơ để qua đêm. Tiếp đó, chặng 2 không quay lại Tân Sơn Nhất mà chở khách từ Cần Thơ ra các tỉnh phía Bắc” - TS Nguyễn Bách Phúc cho rằng đề nghị này không đúng vì lượng khách ra và vào bằng nhau. Lượng khách từ Cần Thơ ra các tỉnh phía Bắc họ muốn bay về thì như thế nào? Hành khách bỏ lại ở Tân Sơn Nhất muốn ra Hà Nội không có máy bay, như vậy...rất mâu thuẫn.

Cũng theo TS Nguyễn Bách Phúc, việc Cục hàng không nói các hãng sắp xếp lại lịch bay là rất phi lý.

“Đây là chuyện của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Họ phải biết một ngày đón bao nhiêu chiếc. Sau đó, Tân Sơn Nhất sẽ quyết định ký hợp đồng với các hãng như thế nào?. Các hãng không có quyền quyết định”- TS Nguyễn Bách Phúc quả quyết và đưa ra ví dụ một bến xe ô tô rỗng, ai vào cứ vào, ai muốn ra thì ra. Nhưng giờ, phía chủ bãi xe tuyên bố rằng bến xe chật, không có chỗ đậu nữa và đề nghị nhà xe tự sắp xếp chỗ đậu. Vậy, họ sẽ tự sắp xếp như thế nào?

“Bến xe cũng như sân bay thôi. Giờ nói bến xe chật và bảo các chủ xe sắp xếp chỗ đậu thì sắp xếp thế nào? Chủ xe có biết cái bến xe rộng, hẹp thế nào đâu?””- TS Nguyễn Bách Phúc băn khoăn và cho biết tàu bay của hãng nào, đậu ở đâu, đậu giờ nào, bay giờ nào, lên xuống như thế nào (?)…là phụ thuộc vào hợp đồng kinh tế giữa hãng hàng không với sân bay chứ không phải theo lệnh của Cục hàng không.

“Người ta phải tính toán hết tất cả. Nếu sân bay Tân Sơn Nhất hết chỗ đậu thì họ sẽ không ký hợp đồng với hãng đó nữa. Chứ không thể có chuyện máy bay đi ngang qua là tạt xuống đậu lại…”- TS Nguyễn Bách Phúc thẳng thắn nói.

{keywords}
Để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, Cục hàng không đề nghị một số chuyến bay về đậu qua đêm ở sân bay Cần Thơ

Đồng quan điểm, một chuyên gia nghiên cứu giao thông TPHCM bổ sung thêm: Chỉ trừ các trường hợp hết sức đặc biệt mới áp dụng giải pháp mà Cục hàng không đề nghị.

“Nếu chở luôn cả khách thì vô cùng phức tạp. Chi phí tăng cho các hãng máy bay và hành khách không ai muốn kiểu transit lạ kỳ này (trừ bay đường dài quốc tế). Còn nếu chỉ gửi đỡ máy bay qua đêm thì cũng xem lại, đã quá tải đường băng rồi mà còn tăng thêm chuyến bay lên bay xuống thì không ổn chút nào, chưa kể tăng thêm chi phí”- chuyên gia này thẳng thắn nhận xét.

Theo vị chuyên gia này, đề nghị triển khai kế hoạch đưa tàu bay đậu qua đêm ở sân bay Cần Thơ để giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ phi lý mà còn o ép doanh nghiệp vận tải hàng không.

“May mà đề nghị này chỉ áp dụng với các hãng trong nước. Các hãng nước ngoài còn lâu mới ép được họ. Nếu ép thì họ sẽ không dám làm ăn với VN, không dám tới VN nữa”- vị chuyên gia này thẳng thắn nhận xét.

Tuấn Kiệt