Đến nay, Quảng Nam đã có 73 chuyến xe, 5 chuyến máy bay đón 6.726 người từ vùng dịch về (trong đó TP.HCM có 4.336 người, Đà Nẵng có 2.390 người). Những công dân được đón về đều phải thực hiện phòng chống dịch và cách ly theo quy định. Khi hết thời hạn sẽ căn cứ trên nguyện vọng để bố trí việc làm.
Bớt nỗi lo thất nghiệp
Trong tiệm sửa chữa máy tính chưa đầy 25 mét vuông, đang tháo chiếc laptop để sửa cho khách, anh Nguyễn Phước Kỳ ở xã Tam Ngọc (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “Mình sẽ ở lại quê hương và không vào TP.HCM thêm lần nữa, ở đây mình đã có công việc ổn định nên giờ muốn gần với gia đình hơn”.
Anh thanh niên 27 tuổi đã lăn lộn ở TP.HCM hơn 10 năm với nhiều ngành nghề khác nhau từ làm nhân viên môi giới nhà đất, văn phòng đến xe ôm công nghệ. Những tháng ngày TP.HCM bùng dịch là những ngày chật vật...
“Phòng trọ giá 2,5 triệu đồng/tháng, dịch bùng phát là mình thất nghiệp. Vừa lo không xin được việc làm vừa lo dịch bệnh nguy hiểm”, anh Kỳ nhớ lại những ngày tháng lo âu vì dịch bệnh.
Sau khi nhận được thông tin từ Hội đồng hương Quảng Nam tại TP.HCM đón người dân về quê, anh Kỳ đăng ký và được về cùng với hơn 580 người dân Tam Kỳ đang sinh sống tại TP. HCM vào giữa tháng 7 vừa qua.
Anh Nguyễn Phước Kỳ đã có công việc ổn định tại TP Tam Kỳ sau khi hết thời gian cách ly |
Nhớ lại cảnh về quê, anh Kỳ vừa mừng, vừa lo: “Mừng là mình được về quê tránh dịch, gần với gia đình, nhưng lo là tương lai không biết như thế nào, việc làm có ổn định hay không”.
Sau khi cách ly tập trung 14 ngày tại Trung tâm dạy nghề TP Tam Kỳ, anh Kỳ được Trung tâm giới thiệu việc làm của tỉnh hướng dẫn xin việc nếu mong muốn gắn bó với quê hương.
“Lúc này mình như vớ được phao cứu sinh, đăng ký ngay để hy vọng có việc làm ổn định. Kết thúc cách ly tập trung và 14 ngày cách ly tại nhà thì mình được giới thiệu đến một công ty sửa chữa máy tính trên địa bàn TP Tam Kỳ. Mình đồng ý ngay mặc dù chỉ là đến học nghề”, anh Kỳ hứng khởi kể.
Hơn một tháng qua, anh thanh niên 27 tuổi vừa học vừa làm công việc sửa chữa máy vi tính. Việc chính của anh Kỳ là cài đặt phần mềm, tháo lắp linh kiện trên máy tính.
Ở đây, anh được hỗ trợ một tháng 3 triệu đồng, được chủ cửa hàng bao ăn cơm trưa.
Anh Nguyễn Phước Kỳ hài lòng với công việc mới |
Kết nối kế sinh nhai
Anh Nguyễn Ninh (29 tuổi), chủ cửa hàng sửa chữa máy tính cho hay, thấy người dân về quê khó khăn như vậy anh không thể bỏ mặc.
“Mặc dù tiệm nhỏ, nhân viên đến 2 người, việc không nhiều nhưng sau khi nhận được lời đề nghị từ trung tâm giới thiệu việc làm, tôi đồng ý ngay để hướng dẫn một bạn vừa học vừa làm. Sau này nếu muốn bạn có thể lấy đó làm kế sinh nhai của mình”, anh Ninh bộc bạch.
Anh Ninh chia sẻ thêm, những người mới vào nghề sẽ khá bỡ ngỡ vì nhiều thứ công nghệ khó khăn, với tay nghề của Kỳ, anh dự đoán khoảng 4-5 tháng sẽ được làm nhân viên chính thức. “Lúc đó, Kỳ sẽ được nhận mức lương từ 5-6 triệu có thể lên 7 triệu tùy theo năng lực”.
Trưởng phòng LĐ-TB & XH TP Tam Kỳ Nguyễn Thị Đào cho hay, phòng đã gửi giấy đăng ký mong muốn làm việc tại địa bàn tỉnh cho tất cả người dân từ TP.HCM và TP Đà Nẵng về cách ly tại TP.
“Có hơn 60 người đăng ký và chúng tôi đã kết nối được hơn 50% trong số đó với doanh nghiệp. Nhiều bà con đã vào làm việc ổn định”, bà Đào nói.
16.000 cơ hội việc làm cho người dân
Ông Võ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, hiện có gần 1.200 người trong số 8 huyện từ TP.HCM và TP Đà Nẵng về có mong muốn xin việc tại địa phương.
“Nhiều địa phương như huyện Nông Sơn, Núi Thành, TP Tam Kỳ đều đã kết nối trên 50% người lao động với doanh nghiệp. Những người này đa số đi làm ăn xa, có kinh nghiệm, có tay nghề cao nên các doanh nghiệp rất muốn nhận vào”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, hiện trên sàn giao dịch việc làm online có đến 16.000 việc làm với nhiều ngành nghề khác nhau, nên cơ hội dành cho người lao động rất lớn.
Trung tâm mở các phiên giao dịch, tư vấn giới thiệu việc làm liên tục để hỗ trợ người dân.
Ông Dũng chia sẻ về khó khăn đang gặp phải: “Một số doanh nghiệp muốn người lao động phải tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19 mới nhận vào làm nên phải chờ thời gian. Khó khăn tiếp theo đó là dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và quan trọng người dân vẫn mong muốn quay lại TP.HCM và TP Đà Nẵng để làm việc”.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB & XH tỉnh Quảng Nam Nguyễn Quí Quý cho biết, trên cơ sở nhu cầu của người lao động trở về Quảng Nam từ vùng dịch và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Sở tham mưu UBND tỉnh các phương án hỗ trợ lao động, trong đó thông qua các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và sàn giao dịch việc làm tại các địa phương để đào tạo nghề, kết nối cung cầu lao động, giúp bà con tìm kiếm việc làm ổn định, thông qua Ngân hàng chính sách xã hội để hướng dẫn hỗ trợ bà con đủ điều kiện theo quy định được vay vốn tự tạo việc làm trên mảnh đất quê hương của mình.
“Hiện có khoảng 100 doanh nghiệp với hơn 16.000 cơ hội việc làm, người lao động từ các tỉnh về Quảng Nam do ảnh hưởng dịch bệnh covid 19 sẽ không lo thiếu việc”, ông Quý nói.
‘Chia lửa’ với người về quê tránh dịch, Quảng Nam tính tạo việc làm sau cách ly
Tính đến nay, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức 61 chuyến xe khách và 4 chuyến bay đón hơn 3.500 người dân có hoàn cảnh khó khăn ở TP.HCM về quê tránh dịch, trong đó, gần 3.100 trường hợp được miễn mọi chi phí.
Công Sáng