Chính sách thiết thực, nhân văn

Theo thống kê, hiện tại, vẫn còn khoảng 10.000 hộ dân tộc thiểu số di cư tự phát chưa được sắp xếp ổn định, hơn 58.000 hộ thiếu đất ở, hơn 460.000 gia đình cần được hỗ trợ nhà ở; hơn 300.000 hộ thiếu đất sản xuất.

Nhằm tạo điều kiện để vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dần dần tiến kịp miền xuôi, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Kinh tế-Xã hội Vùng Đồng bào Dân tộc Thiểu số và Miền núi giai đoạn 2021-2030, trong đó giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.

Phạm vi của Chương trình là địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó ưu tiên nguồn lực để đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối tượng của Chương trình là xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân người dân tộc Kinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Mục tiêu của Chương trình, đến năm 2025 phấn đấu để mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm hơn 3%; phấn đấu có 50% số xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa.

Để hiện thực hóa Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Kinh tế-Xã hội Vùng Đồng bào Dân tộc Thiểu số và Miền núi giai đoạn 2021-2030, ngày 26/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.

Nghị định có ý nghĩa thiết thực và nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nghị định 28/2022/NĐ-CP quy định cụ thể đối với từng mục đích vay, bao gồm cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; hỗ trợ cho vay phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Ngân hàng Chính sách Xã hội có trách nhiệm giải ngân nhanh nguồn vốn vay đúng đối tượng, đủ điều kiện, rõ ràng, công khai, minh bạch.

Ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện Nghị định trong giai đoạn 2021-2025 theo cơ chế cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý khi cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn theo quy định.

Thời hạn nguồn vốn vay hỗ trợ đất ở tối đa là 15 năm, trong 5 năm đầu khách hàng chưa phải trả nợ gốc. Lãi suất cho vay bằng 3%/năm.

Thời hạn vốn vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề tối đa là 10 năm, lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định trong từng thời kỳ.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sau hơn một năm đi vào cuộc sống, Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Kinh tế-Xã hội Vùng Đồng bào Dân tộc Thiểu số và Miền núi giai đoạn 2021-2030 đã có những tác động tích cực mạnh mẽ tới các đối tượng được thụ hưởng.

“Phao cứu sinh” tác động mạnh mẽ tới các đối tượng thụ hưởng

Nghị định số 28 có quy định về cho hộ nghèo vay để trang trải chi phí xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở. Đối tượng áp dụng là hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các hộ được vay tối đa 40 triệu đồng trong 15 năm cho mục đích trang trải chi phí xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở.

Tại xã Nà Tăm, một trong những xã khó khăn của huyện Tam Đường, đời sống của bà con còn nhiều thiếu thốn, nhiều gia đình nghèo chưa có điều kiện xây nhà kiên cố, phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ, xiêu vẹo. Được cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện và xã tuyên truyền về chính sách ưu đãi của chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị định 28 của Chính phủ, 17 hộ nghèo trên địa bàn xã Nà Tăm đã được vay mỗi hộ 40 triệu đồng để cải thiện nhà ở.

Thực hiện Nghị định số 28 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Lâm Bình tỉnh Tuyên Quang đã giải ngân, triển khai việc cho vay để hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo; doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng vay vốn.

Là tỉnh miền núi biên giới nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, Kon Tum có tổng diện tích gần 10.000 km2, được chia ra 9 huyện, một thành phố với 102 xã, phường, thị trấn, trong đó có 92 xã, phường, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 13 xã biên giới và 3 huyện nghèo.

Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54,93% dân cư toàn tỉnh. Đến năm 2023, tỉnh vẫn còn 15.943 hộ nghèo, tương đương 10,86% tổng số hộ dân, trong đó có 15.215 hộ nghèo thuộc các dân tộc thiểu số, chiếm 95,43% tổng số hộ nghèo.

Để các hộ nghèo, cận nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Văn bản số 2645/UBND-KTTH ngày 15/8/2022.

Cơ quan chức năng có trách nhiệm nhanh chóng rà soát kỹ lưỡng và phê duyệt danh sách các đối tượng được vay vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề.

Đến đầu năm 2023, doanh số cho vay ở Kon Tum đạt gần 71 tỷ đồng, với 1.500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tiếp cận nguồn vốn. Trong số đó, vốn cho vay hỗ trợ đất ở là 3 tỷ đồng, vốn cho vay hỗ trợ nhà ở là hơn 48 tỷ đồng, vốn cho vay hỗ trợ đất sản xuất gần là 6 tỷ đồng, vốn cho vay hỗ trợ chuyển đổi nghề là hơn 13 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đánh giá, Nghị định 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ chính là phao cứu sinh để đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, làm nhà ở, vươn lên thoát nghèo.

Ở khu vực Tây Bắc Bắc Bộ, tỉnh Lai Châu xác định việc giải ngân theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm của địa phương nhằm đẩy nhanh mục tiêu thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Nậm Nhùn là huyện nghèo của tỉnh nghèo Lai Châu. Đây là nơi cư trú của 11 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95%, đông nhất là dân tộc Mông chiếm 39,6%.

Ngay sau khi Nghị định 28/2022/NĐ-CP có hiệu lực, Phòng Giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nậm Nhùn đã tích cực phối hợp với chính quyền các cấp để rà soát, tổng hợp và phê duyệt danh sách các đối tượng thụ hưởng.

Tính đến đầu năm 2023, trên địa bàn huyện Nậm Nhùn có 213 hộ dân tộc thiểu số được vay vốn theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP với số tiền gần 19 tỷ đồng.

V.v....V.v

Ở quy mô toàn quốc, tính đến đầu năm 2023 dư nợ cho vay tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt hơn 101.000 tỷ đồng, chiếm 35,7% tổng dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội, với trên 2,1 triệu khách hàng còn dư nợ.

Dư nợ bình quân của một hộ dân tộc thiểu số đạt trên 49 triệu đồng trong khi dư nợ bình quân chung là 43,2 triệu đồng.

Đến ngày 30/6/2023, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 304.431 tỷ đồng, tăng 7,4% so với năm 2022; trong đó nguồn vốn vay thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển Kinh tế-Xã hội Vùng Đồng bào Dân tộc Thiểu số và Miền núi theo Nghị định 28/2022/NĐ-CP đạt hơn 1.500 tỷ đồng.

Tổng số tiền cho vay theo chính sách ưu đãi càng lớn thì càng có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cơ hội ổn định sản xuất, nâng cao đời sống. Chứng tỏ  Nghị định số 28/2022/NĐ-CP chính là “Phao cứu sinh” đem lại hiệu quả thiết thực, giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, làm nhà ở, vươn lên thoát nghèo, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội từng bước nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Hải Vân