Hiện nay, vùng ĐBSCL có 222 xã thuộc vùng DTTS, trong đó có 168 xã khu vực I, 4 xã khu vực II và 50 xã khu vực III, chiếm 3,22% số xã vùng DTTS đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của cả nước; có 252 thôn ĐBKK, chiếm 1,9% số thôn vùng DTTS, ĐBKK của cả nước...

Việc Thủ tướng chính phủ ký ban hành Quyết định số 1719 ngày 14/10/2021 Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 là một chủ trương quan trọng, thực hiện quan điểm và chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Theo đó, việc thực hiện nội dung tạo sinh kế phát triển bền vững cho vùng đồng bào DTTS ở vùng ĐBSCL, là một trong những giải pháp quan trọng cần phải tập trung thực hiện đối với vùng đồng bào DTTS trên địa bàn. 

Việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những đề án, chính sách vùng đồng bào DTTS, cùng với kết quả xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo, khởi sắc nhiều vùng nông thôn, vùng có đông đồng bào DTTS ở ĐBSCL. 

Tuy nhiên, theo Vụ công tác dân tộc địa phương, tỷ lệ hộ nghèo của DTTS vùng ĐBSCL so với các vùng trong cả nước vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thoát nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo tăng; đời sống của một bộ phận đồng bào còn nhiều khó khăn, nhất là hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Sóc Trăng là địa phương có đồng bào DTTS đông nhất khu vực ĐBSCL, chiếm 35,44% dân số. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh còn 15.139 hộ nghèo, trong đó  hộ nghèo là đồng bào DTTS khá cao, 7.523 hộ, chiếm 49,7% tổng số hộ nghèo của tỉnh.

Quang cảnh hội thảo “Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với đồng bào DTTS vùng ĐBSCL

Tại Hội thảo “Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với đồng bào DTTS vùng ĐBSCL", chia sẻ về giải pháp, ông Lưu Văn Xem, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng cho biết: Để giảm nghèo bền vững cho đồng bào ở khu vực này, cần giải quyết các vấn đề đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm vùng đồng bào DTTS, có được vậy mới giải quyết được vấn đề sinh kế ổn định cho lực lượng còn trong tuổi lao động đang là người tạo thu nhập chính trong các gia đình.

Thượng toạ Lý Hùng, Phó Hội trưởng Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước TP. Cần Thơ cho biết, để góp phần cho sự phát triển KT-XH trong khu vực nói chung, vùng đồng bào DTTS nói riêng, những năm qua, đội ngũ sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer cũng tăng cường học tập tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học với nhiều chuyên môn khác nhau nhằm nâng cao trình độ, kiến thức, từ đó truyền đạt lại kiến thức cho tăng sinh, đệ tử trong chùa góp sức giúp cộng đồng xây dựng phum, sóc.

“Các chùa Khmer với vai trò là thành viên mặt trận và trách nhiệm với phật tử Phật giáo Nam tông Khmer theo phương châm sống “ tốt đời, đẹp đạo”, các chùa đã và đang góp phần tác động đến việc thực hiện có hiệu quả các Chương trình MTQG của Đảng, Nhà nước trong vùng đồng bào dân tộc Khmer. Chúng tôi tin tưởng, đây là giải pháp quan trọng giảm nghèo bền vững trong đồng bào DTTS ở ĐBSCL”, Thượng tọa Lý Hùng chia sẻ.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng cần thêm giải pháp nâng cao đời sống đồng bào qua hoạt động du lịch, nông nghiệp phù hợp thổ nhưỡng; giải pháp phát huy tối đa truyền thống văn hóa đặc thù của mỗi dân tộc; đồng thời Ủy ban MTTQ các tỉnh/thành cần làm tốt vai trò nhiệm vụ của mình để người dân được thụ hưởng chính sách.

Hiện nay mức sống, đời sống của bà con vùng đồng bào DTTS so với các vùng thuận lợi còn khoảng cách chênh lệch rất lớn. Chính vì vậy, trách nhiệm của MTTQ phải làm sao để có được những hoạt động hỗ trợ cho người nghèo, hỗ trợ hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống; thu hẹp, rút ngắn khoảng cách mức sống của người dân trong khu vực.

"Đây là một giải pháp tôi cho rằng nó tạo động lực thúc đẩy các hộ gia đình, trong đó có hộ gia đình đồng bào DTTS vươn lên trong cuộc sống để phát triển kinh tế", bà Ánh quả quyết.

Hải Vân