Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 25/01/2021 đến ngày 02/02/2021 tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng và đất nước. Tổng số đại biểu tham dự là 1.587 đại biểu, đông nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc.
Đại biểu khách mời có các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại sứ, đại diện các nước và trưởng đại diện các tổ chức quốc tế trong đoàn ngoại giao tại Hà Nội, các đồng chí đại diện Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, thanh niên tiêu biểu…
Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính. Ảnh: Phạm Hải |
Thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về “Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, đến ngày 30/10/2020, tất cả các đảng bộ trực thuộc Trung ương đã hoàn thành việc tổ chức đại hội bảo đảm tiến độ, chất lượng, đã bầu 1.381 đại biểu chính thức dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo đúng số lượng đại biểu được Bộ Chính trị phân bổ cho từng đảng bộ trực thuộc Trung ương.
Sau đại hội, các cấp ủy trực thuộc Trung ương đã báo cáo kết quả bầu đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng kèm theo danh sách trích ngang, sơ yếu lý lịch, báo cáo tổng hợp phân tích cơ cấu đại biểu theo đúng các yêu cầu, nội dung quy định. Ban Tổ chức Trung ương đã tiếp nhận, thẩm định các báo cáo về hồ sơ đại biểu, hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ về đại biểu. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập 67 đoàn đại biểu và cử trưởng đoàn đại biểu; phân công 191 đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (cả chính thức và dự khuyết) tham gia sinh hoạt tại 67 đoàn đại biểu; đồng thời, chỉ định 15 đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Việc tiến hành bầu cử đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tại các đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương đều đảm bảo đúng nguyên tắc, thủ tục của Điều lệ Đảng, Quy định thi hành Điều lệ Đảng (số 29-QD/TW ngày 25/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương) và Quy chế bầu cử trong Đảng (ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 09/6/2014); bảo đảm các yêu cầu về tiêu chuẩn và cơ cấu đại biểu.
Tham dự Đại hội có 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước, tăng gần 80 đại biểu so với Đại hội XII, đông nhất trong 13 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc. Trong đó, đại biểu đương nhiên chiếm tỷ lệ 12,04%; đại biểu được bầu tại các đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương chiếm tỉ lệ 87,02%; đại biểu chỉ định chiếm tỉ lệ 0,95%; đại biểu nữ chiếm tỷ lệ 13,99%; đại biểu là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 11,03%; đại biểu là Anh hùng Lực lượng vũ trang chiếm tỷ lệ 0,19%; đại biểu là Nhà giáo ưu tú chiếm tỷ lệ 0,82%; đại biểu là Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú chiếm tỷ lệ 0,95%.
Về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ: Đại biểu là giáo sư, phó giáo sư chiếm tỷ lệ 4,47%; tiến sĩ chiếm tỷ lệ 12,54%; thạc sĩ chiếm tỷ lệ 54,69%; đại học chiếm tỷ lệ 32,77%.
Về trình độ lý luận chính trị: Đại biểu có trình độ lý luận chính trị cử nhân, cao cấp chiếm tỷ lệ 99,49%; Trung cấp chiếm tỷ lệ 0,38%; Sơ cấp chiếm tỷ lệ 0,13%.
Về độ tuổi, đại biểu dưới 40 tuổi chiếm 3,59%, trên 70 tuổi chiếm 0,19%, độ tuổi trung bình của đại biểu dự Đại hội là 52,18 tuổi, đại biểu cao tuổi nhất là 77 tuổi, đại biểu thấp tuổi nhất là 34 tuổi.
Về thời gian vào Đảng: Đại biểu kết nạp Đảng từ tháng 8/1954 đến tháng 4/1975 chiếm tỷ lệ 0,38%; từ tháng 5/1975 đến tháng 12/1986 chiếm tỷ lệ 13,36%; từ tháng 01/1987 đến nay chiếm tỷ lệ 86,26%.
Tin tưởng rằng, việc lựa chọn đúng và bầu các đồng chí thực sự tiêu biểu, xứng đáng, có đủ “phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín và sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ của đại biểu” góp phần vào thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ban Thời sự