Kính thưa Đoàn chủ tịch Đại hội,
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ,
Thưa các đại biểu khách quý, thưa các đồng chí đại biểu đại hội.
Hôm nay tôi và các đồng chí lãnh đạo cơ quan Trung ương rất vui mừng được dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, tôi xin gửi đến các bậc lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các nhiệm kỳ, các đồng chí đại biểu và toàn thể đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La lời chào mừng nồng nhiệt nhất. Chúc Đại hội Đại biểu lần thứ XV Đảng bộ tỉnh Sơn La thành công tốt đẹp.
Thưa các đồng chí!
Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học và tinh thần cầu thị của Tỉnh ủy Sơn La trong công tác chuẩn bị Đại hội, các Dự thảo văn kiện và phương án nhân sự cấp ủy trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV phù hợp với nội dung Chỉ thị 35, ngày 30/9/2019 của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Trung ương; nghiêm túc tiếp thu ý kiến tham gia của các Đại hội, các Đảng bộ trực thuộc, các tầng lớp nhân dân và ý kiến đóng góp của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nội dung các văn kiện đã bám sát những tư tưởng, quan điểm lớn nêu trong Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và sát với tình hình thực tiễn của địa phương.
Chúng ta vui mừng nhận thấy trong nhiệm kỳ qua tuy còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La, với quyết tâm chính trị rất cao đã phát huy truyền thống văn hóa cách mạng và yêu nước, đoàn kết, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. 19/24 chỉ tiêu đạt và vượt, để lại nhiều dấu ấn rõ rệt về phát triển kinh tế, xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo tiền đề để phát triển nhanh hơn trong nhiệm kỳ tới; đồng thời, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra.
Nổi bật là, kinh tế Sơn La có bước phát triển khá và tương đối toàn diện cả về nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 5,46%/năm, tổng sản phẩm GRDP tăng 1,54 lần so với năm 2015, đứng thứ 5/14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 44,1 triệu đồng/người, tăng 13,3 triệu đồng so với năm 2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét, đúng hướng và tỷ trọng nông nghiệp giảm, tỷ trọng công nghiệp dịch vụ tăng nhanh; sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện, triển khai đồng bộ, hiệu quả các cơ chế chính sách, nhất là chính sách phát triển cây ăn quả, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bước đầu phát huy tiềm năng, thế mạnh, hình thành được các vùng chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
Một số loại nông sản, thủy sản của tỉnh có diện tích, sản lượng giá trị xuất khẩu lớn nhất khu vực Tây Bắc và vùng Trung du miền núi Bắc Bộ; đã xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang các thị trường 12 nước khó tính, như: Mỹ, Nhật, Úc, Pháp… Đây là điểm mạnh, cách làm bài bản, đúng hướng, là dấu ấn nổi bật của Sơn La tạo sức lan tỏa đến các địa phương khác và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá rất cao. Sản xuất công nghiệp có bước phát triển, định hướng phát triển rõ nét các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh; có 33 nhà máy chế biến nông sản, trong đó có 10 nhà máy chế biến xuất khẩu. Có nhà máy với thiết bị công nghệ hiện đại bậc nhất thế giới; 51 nhà máy thủy điện với tổng sản lượng 10 tỷ kWh/năm, lớn nhất khu vực phía Bắc và đã thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn đầu tư trên địa bàn của tỉnh. Dịch vụ du lịch tăng trưởng nhanh, ngoài Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu đã hình thành nhiều loại sản phẩm và loại hình du lịch mới đưa vào khai thác. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa được triển khai tích cực, hiệu quả, giá trị xuất khẩu tăng bình quân 13,1%/năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư. Chương trình xây dựng Nông thôn mới đạt kết quả tích cực, số xã đạt chuẩn nông thôn mới vượt kế hoạch đề ra, diện mạo đô thị nông thôn có nhiều khởi sắc; lĩnh vực VH-XH có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng giáo dục y tế được nâng lên; truyền thống và bản sắc văn hóa đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy; chính sách đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo được quan tâm thực hiện.
Đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn tỉnh giảm từ 34,44% năm 2015 xuống còn 18,62% năm 2020, đạt mục tiêu nghị quyết Đại hội đề ra. Quốc phòng, an ninh được đảm bảo, chính trị xã hội ổn định, nhất là đã nắm chắc và vận động chuyển hóa 42/42 địa bàn trọng điểm phức tạp về an ninh trật tự, quyết liệt đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy. Quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện với các tỉnh Bắc Lào được duy trì và phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào hòa bình, hữu nghị và phát triển. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đạt được những kết quả quan trọng, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, nội bộ đoàn kết, thống nhất, xã hội đồng thuận; đã xóa được thôn bản chưa có đảng viên, chưa có chi bộ, tổ chức bộ máy của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục được sắp xếp, kiện toàn, hoạt động ngày càng đổi mới, hiệu quả.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư vui mừng về sự phát triển ấn tượng của Sơn La, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La đã phát huy tốt truyền thống quê hương cách mạng, khiêm tốn, kiên trì nghiên cứu học hỏi, tiếp thu cái mới, kế thừa và rút kinh nghiệm của nhiều thế hệ cán bộ đi trước; tin tưởng và vận dụng sáng tạo, có hiệu quả đường lối đổi mới của Đảng. Cấp ủy và chính quyền đã nhìn rõ tiềm năng, lợi thế cũng như những khó khăn, thách thức của tỉnh, để đề ra nhiều chủ trương, giải pháp đúng đắn, sáng tạo, có bước đi, cách làm phù hợp. Đội ngũ cán bộ các cấp đã bám sát Nghị quyết của Đảng bộ và linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, do đó nhiệm kỳ vừa qua Sơn La đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực, cố gắng vươn lên và chúc mừng những kết quả quan trọng, toàn diện và rất có ý nghĩa mà Đảng bộ, Chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.
Thưa các đồng chí!
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, Sơn La vẫn còn một số hạn chế, yếu kém và đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như báo cáo chính trị đã nêu. Nhất là, quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm; hạ tầng giao thông còn khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng y tế, giáo dục còn hạn chế, đời sống một bộ phận đồng bào vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với các tỉnh trong khu vực; an ninh trật tự ở một số địa bàn vẫn còn nhiều tiềm ẩn phức tạp, mất ổn định, nhất là địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa. Một số chỉ tiêu dự kiến không đạt mục tiêu Đại hội đề ra. Tôi đề nghị các đồng chí đại biểu cần đi sâu phân tích, làm rõ các nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, nhất là nguyên nhân chủ quan, để đề ra giải pháp khắc phục có hiệu quả cho nhiệm kỳ tới.
Thưa các đồng chí, về phương hướng mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu và các khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới, tôi cơ bản nhất trí với các nội dung đã nêu trong báo cáo chính trị, xin nêu một số ý kiến sau đây để Đại hội chúng ta cùng thảo luận. Trước hết, chúng ta phải nắm bắt tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới là: Phát triển nhanh và bền vững, đảm bảo gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu tổng quát là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa, phát huy sức sáng tạo, ý chí, khát vọng phát triển và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự phát triển của Sơn La trong thời gian tới phải đặt trong yêu cầu phát triển chung của đất nước nhưng lại phải phù hợp với tình hình, đặc điểm của Sơn La. Vì vậy Đại hội cần phân tích sâu sắc, xác định rõ những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của tỉnh nhà trong thời gian tới. Với vị trí trung tâm của vùng Tây Bắc, vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh đối ngoại trong vùng Tây Bắc và Trung du miền núi Bắc Bộ, Sơn La có nhiều tiềm năng lợi thế, đặc thù riêng so với các tỉnh trong vùng, nhất là về đất đai, khí hậu, địa hình cho phát triển nông nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo và một số dự án trọng điểm về giao thông đang được khởi động triển khai. Nhưng Sơn La cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Tôi đề nghị Đại hội hãy đem hết trí tuệ và tâm sức bàn bạc, thảo luận kỹ để đi đến nhất trí cao về mục tiêu xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Tây Bắc; làm cho mọi người dân đều được no ấm, đều được biết chữ, đều được hưởng hạnh phúc, yên vui như Bác Hồ đã căn dặn.
Để đạt được mục tiêu đó, tôi xin nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Một là, tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội. Trên cơ sở đó, xác định làm rõ và phát huy tốt hơn những tiềm năng, thế mạnh và giải pháp giải quyết có hiệu quả những khó khăn, thách thức để phát triển. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, có cơ chế để khuyến khích phát triển mạnh mẽ hơn các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh như phát triển công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông sản, ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời ở những địa bàn thích hợp và có hiệu quả.
Hai là, đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung nguồn lực cho phát triển toàn diện nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng khoa học công nghệ; mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu, phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch của vùng Tây Bắc; hướng tới xây dựng Trung tâm quốc gia nghiên cứu về khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp tại huyện Mộc Châu. Đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án phát triển lâm nghiệp, chú trọng nâng cao giá trị rừng, gắn bảo vệ và phát triển rừng với phát triển chăn nuôi đại gia súc, trồng cây dược liệu và du lịch.
Ba là, tập trung phát triển du lịch, tăng cường quảng bá và giới thiệu sản phẩm du lịch, chú ý phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, các giá trị văn hóa đang được bảo tồn và phát huy tại tỉnh Sơn La. Xây dựng hoàn thiện quy hoạch và thu hút đầu tư Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu; đồng thời, quy hoạch lòng hồ thủy điện Sơn La thành khu du lịch kết nối lòng hồ thủy điện Hòa Bình – Sơn La – Lai Châu, tạo điểm nhấn, động lực để phát triển kinh tế du lịch của tỉnh.
Bốn là, huy động các nguồn lực để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư nâng cấp các tuyến giao thông trọng điểm, nhất là tập trung triển khai xây dựng cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu, cảng hàng không Nà Sản. Nâng cấp cải tạo hạ tầng giao thông tại các huyện, xã đặc biệt khó khăn, phát triển thành phố Sơn La theo định hướng đô thị loại I và phấn đấu xây dựng huyện Mộc Châu trở thành thị xã năm 2025.
Năm là, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tiếp tục xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm đào tạo của vùng Tây Bắc và các tỉnh Bắc Lào; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là những chương trình rất có ý nghĩa, rất nhân văn của Đảng và Nhà nước, không chỉ xóa đói, giảm nghèo bền vững mà còn nâng cao đời sống mọi mặt cho đồng bào các dân tộc miền núi nhất là các dân tộc thiểu số. Đồng thời, quan tâm tuyên truyền, giáo dục ý thức vươn lên thoát nghèo cho người dân, kiên trì xóa bằng được tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Sáu là, cần đặc biệt lưu ý vị trí chiến lược quan trọng của Sơn La trong vùng Tây Bắc và Trung du miền núi Bắc Bộ, đây là địa bàn có đường biên giới dài, có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, tội phạm ma túy hoạt động táo bạo. Do đó, cần làm tốt công tác dân vận, tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ tuyệt đối an toàn công trình Thủy điện Sơn La; quyết liệt và hiệu quả công tác phòng chống ma túy, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là vùng biên giới; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Bảy là, nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực với quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn và không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tập trung thực hiện tốt việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Thưa các đồng chí!
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đại hội là đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, và bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới, bầu đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tôi mong rằng, với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội sẽ dân chủ thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, trí tuệ vào văn kiện của Trung ương và bầu đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, sáng suốt lựa chọn những đồng chí có đủ tiêu chuẩn và điều kiện để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, đảm bảo tính liên tục, kế thừa và phát triển, thực sự là hạt nhân lãnh đạo có đầy đủ phẩm chất, năng lực để đưa Nghị quyết Đại hội thành hiện thực trong cuộc sống.
Thưa các đồng chí, với bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng vẻ vang, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tin tưởng rằng, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy truyền thống cách mạng và ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, chủ động nắm bắt tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ, mục tiêu Đại hội đề ra, xây dựng tỉnh Sơn La ngày càng giàu đẹp như mong muốn của Bác Hồ kính yêu và góp phần cùng cả nước đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một lần nữa chúc các đồng chí lãnh đạo và toàn thể các đồng chí đại biểu sức khỏe, hạnh phúc, chúc Đại hội lần thứ XV của Đảng bộ tỉnh Sơn La thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn!