Ông C.H.L mua 5 bức tranh của một người tên Khánh, khi mang ra làm khung thì mới phát hiện đây là tranh giả.
Điều đáng nói là trong số đó có tranh của họa sĩ Trần Lưu Hậu, Phạm An Hải - hai người đang có tranh được giới sưu tập ưa thích và cố họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm.
Tranh thật của họa sĩ Phạm An Hải (bức trên) và tranh giả (bức dưới). |
Trao đổi với chúng tôi, ông C.H.L (trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, gia đình ông xây một ngôi nhà mới, do nhu cầu trang trí nên ông tìm mua tranh. Một người bạn của ông nói có người bố nuôi là ông Khánh bán tranh và giới thiệu. Ông C.H.L gặp ông Khánh và mua 5 bức tranh, gồm 3 bức tranh của họa sĩ Phạm An Hải, một tranh của họa sĩ Trần Lưu Hậu và một tranh của cố họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm. Số tiền mua 5 bức tranh này là 285 triệu đồng được ông C.H.L thanh toán cho ông Khánh 100 triệu đồng qua chuyển khoản, phần còn lại trả tiền mặt.
Ông C.H.L cũng cho biết chưa hề có kinh nghiệm trong việc mua tranh, đây là lần đầu tiên ông mua tranh. Khi ông C.H.L mang số tranh trên đến một cửa làm khung tranh tại một cửa hàng thì được người chủ cửa hàng cho biết tranh của họa sĩ Phạm An Hải là giả do đã từng mua tranh của họa sĩ nói trên.
Người chủ cửa hàng này chụp ảnh lại những bức tranh mà ông C.H.L mua, đồng thời đưa lên trang cá nhân của anh để báo động mọi người về tình trạng tranh giả.Họa sĩ Phạm An Hải cũng ngay lập tức lên tiếng xác nhận đó là tranh giả, vì bản gốc anh vẽ hiện anh vẫn lưu trữ. "Đây là hành vi vi phạm pháp luật trắng trợn. Nó không phải là chép (chép nhưng không ký tên tác giả để bán) mà trên tranh còn giả chữ ký của tôi, như thế rõ là làm giả"- họa sĩ Phạm An Hải nói.
Trong 5 bức tranh ông C.H.L mua, theo ông, chỉ có tranh mà bên bán nói rằng của cố họa sĩ Hoàng Hồng Cẩm là có giấy chứng nhận. Còn lại không có giấy tờ gì.
Sau khi thông tin và hai bức tranh thật giả được đăng trên mạng xã hội, sáng ngày 10/8, ông Khánh có điện thoại muốn gặp lại ông C.H.L. Ông C.H.L cho biết "ý ông Khánh là giờ tôi muốn gì ông ấy cũng đáp ứng".
Liên lạc với chúng tôi, ông Khánh, người bán tranh giả nói rằng, câu chuyện này "hiểu lầm" và toàn "anh em con cháu trong nhà", nên không nhất thiết lên báo, để ông nói lại với họa sĩ Phạm An Hải và ông C.H.L rồi sẽ thông tin lại sau.
Trong khi đó họa sĩ Phạm An Hải chia sẻ không có chuyện anh em con cháu nào, đây là chuyện làm giả có hệ thống, không chỉ với cá nhân ông mà làm giả cả tranh của nhiều họa sĩ khác.
Hiện một trong ba bức tranh của mình bị làm giả đang được họa sĩ Phạm An Hải giữ lại để làm bằng chứng cho những bước xử lý tiếp theo. Bức tranh này có tên "Dư âm phố cổ" kích thước 60x 80cm được ông sáng tác năm 2016.
Sau cuộc gặp giữa ông C.H.L và ông Khánh nói trên, ông C.H.L cho biết ông Khánh hứa khắc phục hậu quả bằng cách sẽ trả lại tiền.
K.N