Các nhà khoa học vừa tận mắt chứng kiến cácbon điôxit (CO2) nhốt giữ nhiệt trong bầu khí quyển ở phía trên Mỹ, cho thấy sự biến đổi khí hậu nhân tạo "nơi tự nhiên hoang dã" lần đầu tiên.


{keywords}

Một nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Nature đã cung cấp các kết quả đo đạc thực tế ngoài thực địa, chứng minh điều mà giới khoa học đã biết từ vật lý cơ bản, các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, các kỷ lục nhiệt độ và hàng chục chỉ dấu thời tiết khác. Các tác giả nói, công trình nghiên cứu của họ đã xác thực hệ thống kiến thức về sự biến đổi khí hậu cũng như lượng CO2 từng bị đổ lỗi bắt nhốt nhiệt nóng trước đây.

"Lần đầu tiên, chúng tôi đã quan sát được ngoài thực địa sự khuếch đại của hiệu ứng nhà kính, vì lượng khí CO2 nhiều hơn trong bầu khí quyển đã thấm hút những gì Trái đất phát tỏa nhằm đối phó với bức xạ nhiệt Mặt trời đang tới. Vô số nghiên cứu cho thấy, nồng độ CO2 trong bầu khí quyển đang tăng lên, nhưng công trình của chúng tôi cung cấp mắt xích then chốt giữa các nồng độ đó với việc tăng thêm năng lượng cho hệ thống hay hiệu ứng nhà kính", chuyên gia Daniel Feldman thuộc phòng thí nghiệm Berkeley (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu mới, nói.

Theo ông Feldman, trước đây chưa từng có ai thực sự xem xét bầu khí quyển để tìm kiếm loại bằng chứng như vậy về sự biến đổi khí hậu đang diễn ra trên toàn cầu. Để tiến hành được nghiên cứu mới, ông Feldman và các cộng sự đã dùng các dụng cụ kính quang phổ vô cùng chính xác của cơ sở nghiên cứu khí hậu đo đạc bức xạ khí quyển (ARM), đặt tại bang Oklahoma và Alaska, để đo năng lượng hồng ngoại ấm nóng di chuyển từ trên cao, xuyên qua bầu khí quyển xuống bề mặt Trái đất.

Các thiết bị kính quang phổ tân tiến có thể phát hiện dấu hiệu quang phổ đặc trưng của năng lượng hồng ngoại từ CO2. Các dụng cụ khác tại 2 cơ sở nghiên cứu ARM cũng ghi nhận được các đặc điểm độc nhất vô nhị của những hiện tượng có khả năng phát tỏa năng lượng hồng ngoại như các đám mây và hơi nước.

Mọi kết quả thu được đều hé lộ cùng một xu hướng: CO2 trong bầu khí quyển đã phát tỏa lượng năng lượng hồng ngoại ngày càng tăng, tới mức 0,2 Watt/m2 mỗi thập niên. Mức tăng này bằng khoảng 10% xu hướng của mọi nguồn năng lượng hồng ngoại như đám mây và hơi nước.

Căn cứ vào một phân tích dữ liệu của Cơ quan quản lý Khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ, các nhà khoa học quy sự gia tăng thay đổi giữa quá trình cân bằng năng lượng phát xạ và hấp thu năng lượng của Mặt trời từ Trái đất, gắn với CO2 như trên với sự phát thải nhiên liệu hóa thạch và hỏa hoạn. Họ nhận định, CO2 từ việc đốt cháy than đá, dầu mỏ và khí đốt là nguyên nhân chính gây ra sự ấm nóng toàn cầu.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail, Live Science)