Ca bệnh hiếm gặp trên được bác sĩ chuyên khoa 2 Phạm Huỳnh Anh Tuấn, Phó trưởng khoa Ngoại tuyến vú, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và các đồng nghiệp chia sẻ nhân Hội nghị phòng chống ung thư TP.HCM.

Bệnh nhân là bà P.T.T.T (53 tuổi), làm nghề buôn bán tự do, ngụ tại TP.HCM. Cách thời điểm nhập viện 6 tháng, bà T. sờ thấy bướu bên ngực trái, ấn đau, to nhanh nên đã đến Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM khám. 

Người bệnh cho biết đã đặt túi độn ngực thẩm mỹ hai bên vào 14 năm trước. Cách đây 1 năm, bà T. được phẫu thuật lấy túi ngực vì đau và biến dạng ngực nhiều.

Tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bác sĩ khám lâm sàng nhận thấy có 2 khối bướu ngực trái kích thước 4cm và 5cm, có hạch trên đòn trái kích thước 1cm. Kết quả chụp MRI tuyến vú hai bên có cản từ cho thấy bướu đã xâm nhập cơ ngực lớn và cơ gian sườn. Sinh thiết cho kết quả bướu ác tính kém biệt hóa.

Kết hợp với kết quả giải phẫu bệnh sau đó, bác sĩ chẩn đoán xác định bà T. bị u lymphoma không Hodgkin liên quan đặt túi ngực (một dạng ung thư hạch), giai đoạn 2. Bệnh nhân được điều trị với 5 chu kỳ hoá trị, không phải phẫu thuật. Kết quả siêu âm sau hóa trị cho thấy bướu tan hoàn toàn.

ung thu .png
Hình ảnh đại thể khi bệnh nhân được phẫu thuật lấy túi độn ngực. Ảnh: BVCC.

Theo bác sĩ Tuấn, lymphoma không Hodgkin có liên quan với đặt túi ngực thẩm mỹ là một bệnh lý lymphoma T ngoại vi xuất phát sau một thời gian dài, ở các trường hợp đặt túi độn ngực thẩm mỹ (tái tạo - thẩm mỹ vú). Đây là bệnh hiếm gặp, trong 10 năm có khoảng 134 ca được báo cáo trên thế giới, đa số là nhỏ lẻ.

Các giả thuyết đa phần nghiêng về túi ngực thẩm mỹ loại có bề mặt nhám là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này. Bệnh xuất hiện ở các trường hợp đặt túi ngực thẩm mỹ khoảng 9-10 năm, tuổi trung bình của bệnh nhân là 50.

Năm 2019, FDA công bố thông tin 93% số ca lymphoma không Hodgkin có liên quan với đặt túi ngực thẩm mỹ có dùng túi nhám, đồng thời ra khuyến cáo thu hồi túi độn bề mặt nhám của một công ty.

Đây cũng là loại túi đặt ngực mà bệnh nhân T. tại TP.HCM đã sử dụng và được phẫu thuật lấy ra. Tuy nhiên, bác sĩ cho rằng có thể do không cắt trọn vỏ bao nên bệnh tái phát lại. Lớp bao xơ co thắt gây biến dạng túi, vỏ bao dày, dịch viêm vàng đục.

Theo bác sĩ Tuấn, việc điều trị lymphoma không Hodgkin (liên quan đặt túi ngực) chủ yếu là phẫu thuật ở giai đoạn sớm, điều trị toàn thân ở giai đoạn trễ. Mặc dù là nhóm bệnh lý hiếm gặp nhưng tiên lượng khá tốt, tỷ lệ sống còn toàn bộ 5 năm > 90%.

Bác sĩ Tuấn cho rằng hiện nay vấn đề cung cấp thông tin cho khách hàng trước khi đặt túi ngực thẩm mỹ cũng được đặt ra, mỗi khách hàng cần được cung cấp mẫu thỏa thuận trước khi lựa chọn. 

Một nghiên cứu ở Hà Lan trên 9 triệu phụ nữ cho thấy nguy cơ mắc bệnh tăng gấp 18 lần so với các phụ nữ không sử dụng túi độn ngực. Một nghiên cứu tại Mỹ ghi nhận tỷ lệ mắc là 1/30.000 trường hợp, tất cả đều liên quan đến sử dụng túi độn loại nhám. Năm 2021, FDA khuyến cáo trên bao bì túi độn cần có thông tin cảnh báo cho người sử dụng.