Ngày 7/4, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước họp báo thông tin về Luật Lưu trữ (sửa đổi) và thông báo ra mắt Cổng thông tin điện tử giới thiệu khối tài liệu lưu trữ tiếng Pháp giai đoạn 1858 - 1954 bảo quản tại các cơ quan Lưu trữ Việt Nam và Pháp.

Ông Đặng Thanh Tùng - Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước cho biết, Luật Lưu trữ (sửa đổi) sẽ bổ sung thêm quy định về quản lý tài liệu lưu trữ tư, góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về việc lưu giữ, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu tư để phục vụ lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia.

Theo Cục trưởng Đặng Thanh Tùng, việc xây dựng Luật Lưu trữ (sửa đổi) nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực lưu trữ, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về lưu trữ, góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.

Hiện nay, Luật Lưu trữ năm 2011 đã bộc lộ những bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn.

Theo ông Đặng Thanh Tùng, Luật Lưu trữ hiện hành chưa thể chế hóa được những chủ trương, chính sách mới của Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực lưu trữ. “Nói đến lưu trữ, chúng ta thường hiểu ngay là bảo quản các tài liệu nằm trên giấy, hình ảnh, băng đĩa… song thời đại ngày nay, chúng ta phải nghĩ đến việc làm sao để ngành lưu trữ đáp ứng nhu cầu của đất nước trong thời kỳ mới, cụ thể là lưu trữ dữ liệu lớn”, ông phân tích.

Do đó, Cục trưởng cho rằng việc xây dựng, ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) là hết sức cần thiết, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền hành chính và hội nhập quốc tế.

Dự kiến, Luật sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15 (tháng 3/2024), thời gian Luật có hiệu lực là từ 1/1/2025.

Bộ Nội vụ đang tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) để trình Chính phủ vào tháng 6/2023; trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 (tháng 10/2023).

Trình UNESCO công nhận khối tài liệu lưu trữ tiếng Pháp giai đoạn 1858 - 1954

Bên cạnh đó, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước - Bộ Nội vụ Việt Nam, Cục Lưu trữ - Bộ Văn hóa và Thông tin Pháp hợp tác xây dựng Cổng thông tin điện tử giới thiệu khối tài liệu lưu trữ tiếng Pháp giai đoạn 1858 - 1954 bảo quản tại các cơ quan lưu trữ Việt Nam và Pháp.

Cổng thông tin sẽ giới thiệu khái quát về những khối tài liệu thời kỳ thuộc địa được bảo quản tại cơ quan lưu trữ của Việt Nam và Pháp, đồng thời gắn đường liên kết đến các trang thông tin điện tử của Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước và của Lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp cho phép độc giả định hướng tài liệu cần tìm trong các phông lưu trữ bảo quản ở hai nước.

Trang thông tin điện tử giới thiệu khối tài liệu tiếng Pháp giai đoạn 1858 - 1954 bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Pháp với một số nội dung chính: Giới thiệu 52 phông tài liệu lưu trữ tiếng Pháp đã được chỉnh lý hoàn chỉnh để phục vụ khai thác sử dụng tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, II và IV trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, với khoảng 300.000 tiêu đề hồ sơ;

Đăng tải thông tin về 7 ấn phẩm tài liệu lưu trữ tiếng Pháp về nhiều chủ đề như: quy hoạch đô thị, tổ chức chính quyền thuộc địa, giáo dục thời kỳ Pháp thuộc, kiến trúc Pháp tại Hà Nội và Sài Gòn…;

Giới thiệu 13 triển lãm tài liệu lưu trữ tiếng Pháp do các Trung tâm Lưu trữ quốc gia thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan Lưu trữ của Pháp tổ chức từ năm 2010 đến nay.

Đặc biệt, triển lãm Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử do Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I) hợp tác với Cục Lưu trữ Pháp (Lưu trữ Quốc gia Hải ngoại) và Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tổ chức hồi tháng 12/2022 là hoạt động hợp tá kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Pháp và 10 năm hai nước nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược. Đây sẽ là nguồn tư liệu tin cậy với đông đảo công chúng nói chung và các nhà nghiên cứu lịch sử nói riêng.

Với mong muốn trở thành kênh cung cấp nguồn tài liệu hữu ích cho cộng đồng, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước sẽ đăng tải tài liệu số hóa của các phông phục vụ việc tra cứu trực tuyến. 

Đây cũng là cơ sở cho Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Việt Nam và Cục Lưu trữ Pháp hướng tới xây dựng hồ sơ chung để trình UNESCO công nhận khối tài liệu lưu trữ tiếng Pháp giai đoạn 1858 - 1954 đang được bảo quản tại các cơ quan lưu trữ hai nước là di sản tư liệu thế giới.