Quảng Trị 5.jpg
Ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Triệu Phong -Ảnh: H.T

Huyện Vĩnh Linh là một trong những địa phương được đánh giá cao trong việc ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ KH&CN vào thực tiễn, đặc biệt là trên lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, đã có 75% - 80% số đề tài nghiên cứu ứng dụng thành công được nhân rộng vào thực tế sản xuất.

Nổi bật như các đề tài, dự án: chăn nuôi gà ri lai an toàn sinh học tại thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp; ứng dụng vi sinh vật trong chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hữu cơ tại thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp; ứng dụng công nghệ trồng ném trên lưới xăngtylen tại xã Kim Thạch; dự án hệ thống tưới thực hiện mô hình trồng bơ 034 trên vùng đất đỏ ba dan huyện Vĩnh Linh; ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi bò thịt bằng hình thức nuôi nhốt tại thôn Bình An, xã Vĩnh Chấp và thôn Huỳnh Công Đông, xã Trung Nam...

Trong phát triển trồng lúa, huyện đã xác định được bộ giống lúa chủ lực, có năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu, đưa vào sản xuất diện rộng; từ đó nâng cao tỉ lệ sử dụng giống chất lượng cao đạt trên 85%.

Mặt khác, việc ứng dụng KH&CN, đưa các quy trình tiên tiến vào sản xuất cũng được huyện chú trọng và đã mang lại hiệu quả trong sản xuất. Đến nay, tỉ lệ cơ giới hóa khâu làm đất đạt 90%, thu hoạch lúa đạt 100%.

Đặc biệt nổi bật trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất là diện tích phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái đạt 1.150 ha, diện tích sử dụng sạ hàng khoảng 360 ha, sử dụng máy cấy mạ khay khoảng 15 ha.

Tại huyện Triệu Phong, UBND huyện cũng đã chỉ đạo các phòng, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tăng cường hướng dẫn người dân ứng dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất, các mô hình nông nghiệp sạch theo phương pháp canh tác tự nhiên, mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu (CSA) được duy trì và mang lại hiệu quả cao.

Đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện đã phát triển được 71 ha lúa canh tác tự nhiên; 82 ha lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; 240 ha mô hình CSA.

Mặt khác, nhiều hộ dân đã phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, hàng hóa, ứng dụng tiến bộ KH&CN, công nghệ cao, liên kết sản xuất phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi của huyện giai đoạn 2021-2030.

Tập trung nghiên cứu các giải pháp công nghệ cải thiện môi trường của các cơ sở sản xuất, cụm công nghiệp, khu đô thị, làng nghề và các lưu vực sông trên địa bàn.

Đồng thời tiếp tục ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ thông tin, thiết bị hiện đại tái chế chất thải, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo Sở KH&CN, thời gian qua, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Với phương châm đưa KH&CN về cơ sở, KH&CN phải xuất phát từ thực tiễn và phục vụ nhu cầu thực tiễn, Sở KH&CN cũng đã chú trọng triển khai thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học có địa chỉ ứng dụng kết quả cụ thể tại các địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trong đó tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh nhằm tăng chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa từ khâu sản xuất đến việc chế biến sâu thành các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm có đăng ký nhãn hiệu chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm và đã được thương mại hóa trên thị trường.

Hằng năm, trên cơ sở văn bản của Sở KH&CN về hướng dẫn xây dựng kế hoạch hoạt động KH&CN cấp huyện, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và thông báo đến các phòng, đơn vị cơ sở và UBND các xã, thị trấn đăng ký danh mục các mô hình, dự án thuộc Chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tiễn sản xuất, đời sống.

Cùng với đó, nhằm thực hiện tốt hoạt động KH&CN cơ sở, các huyện, thị xã, thành phố đã kiện toàn Hội đồng KH&CN; bố trí nhân sự lãnh đạo, chuyên viên kiêm nhiệm phụ trách KH&CN.

Hội đồng KH&CN đã chủ động tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố về hoạt động KH&CN trên địa bàn; chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định về KH&CN của Chính phủ, Bộ KH&CN và UBND tỉnh.

Khuyến khích, tư vấn, hướng dẫn áp dụng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình công nghệ mới vào sản xuất; đặc biệt là sản xuất nông nghiệp hữu cơ, hướng tới phát triển hệ sinh thái bền vững cho nông dân.

Đẩy mạnh tuyên truyền về các tiện ích của việc cấp tài khoản và định danh điện tử; các thủ tục hành chính thực hiện trên Cổng dịch vụ công trực tuyến để cán bộ và Nhân dân trên địa bàn nâng cao nhận thức, tiếp cận công nghệ thông tin trong liên hệ giải quyết các thủ tục hành chính.

Đánh giá về kết quả của hoạt động KH&CN cấp huyện thời gian qua, Giám đốc Sở KH&CN Trần Ngọc Lân khẳng định, hoạt động KH&CN cấp huyện đã đóng góp tích cực vào sự phát triển KT-XH của địa phương.

Các huyện, thị xã, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và thông báo đến các phòng, đơn vị cơ sở và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn đăng ký danh mục các mô hình/dự án thuộc chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng kết quả nghiên cứu KH&CN vào thực tiễn sản xuất và đời sống.

Ngoài ra, một số địa phương cấp huyện cũng đã chủ động bố trí kinh phí ngân sách cấp huyện để đầu tư phát triển KH&CN nhằm triển khai các đề tài/dự án cấp cơ sở, các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; tổ chức các cuộc thi sáng kiến kỹ thuật, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận thông thường của một số mặt hàng hóa chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của địa phương.

Hoạt động KH&CN cấp huyện được xác định có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của từng địa phương nói riêng và ngành KH&CN tỉnh nói chung.

Để triển khai có hiệu quả hoạt động KH&CN cấp huyện trong thời gian tới, cần tiếp tục đầu tư cho phát triển KH&CN, nhất là đẩy mạnh việc nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ KH&CN, chú trọng thực hiện công nghệ 4.0, ứng dụng công nghệ cao vào các mô hình nghiên cứu thực nghiệm gắn với sản xuất chuyển giao ứng dụng, nhân rộng có hiệu quả để hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Theo THU HẠ (Báo Quảng Trị)