Quyết định trên được ký ngày 4/11. Theo đó, ông Nguyễn Văn Tốn có trách nhiệm bàn giao toàn bộ công việc, hồ sơ, tài liệu có liên quan đến công việc đang quản lý cho cán bộ được phân công tiếp nhận của công ty.
Cùng ngày, HĐQT công ty Viwasupco cũng có quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Quý giữ chức danh Tổng Giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty thay ông Tốn từ ngày 4/11.
Theo giới thiệu, ông Quý sinh năm 1973 là kỹ sư xây dựng, hiện đang sống tại phường Giáp Bát, Hoàng Mai, Hà Nội.
Viwasupco miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đồng thời là người đại diện pháp luật đối với ông Nguyễn Văn Tốn từ ngày 4/11/2019. |
Thời gian qua, Viwasupco nổi lên với việc nước sạch sông Đà do công ty này cung cấp bị nhiễm dầu khiến hàng nghìn hộ dân thủ đô điêu đứng, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn.
Chiều 15/10, tại buổi họp giao ban báo chí do ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, trả lời một số chất vấn về trách nhiệm cá nhân, Tổng GĐ Công ty nước sạch Sông Đà cho biết ông “chỉ là TGĐ làm thuê” nên tới đây tổng công ty sẽ họp rút kinh nghiệm, nếu sai sẽ chịu trách nhiệm.
Trả lời câu hỏi về lý do tại sao công ty không dừng cấp nước cho người dân/ khách hàng khi xảy ra sự cố, ông Tốn "xin" chia sẻ thật: "Thực ra lúc bấy giờ với thâm tâm của tôi 80% là dừng cấp nước vì nghĩ có thể chất lượng nước có vấn đề. Trong thâm tâm của tôi không bao giờ lấy tính mạng người dân để kinh doanh”.
Cuối buổi giao ban báo chí, ông Tốn mong được thông cảm, công ty không phải đặt lợi nhuận lên hàng đầu. “Làm cái này trong 10 năm phục vụ người dân Thủ đô, đặt sức khỏe người dân, chất lượng nước lên trên hết chứ không phải vì cái gì. Qua đây thì cũng rút kinh nghiệm những phản ánh của khách hàng vì khách hàng là thượng đế. Nhiều khi công ty không phản ánh kịp thời, giải thích cho người dân hiểu", ông Tốn nói, đồng thời nói lời “xin lỗi”.
“Vâng! Xin lỗi”, ông Tốn nói. Trả lời về trách nhiệm cá nhân, ông Tốn giãi bày: "Thực ra bản thân tôi cũng là Tổng Giám đốc làm thuê. Nếu dừng cấp nước thì tôi quá an toàn quá hay. Nhưng tôi có một cái tâm duy nhất là phục vụ người dân, vì người dân không vì cái gì hết".
"Ông chủ" Công ty nước sạch sông Đà là ai?
Được biết, Công ty CP nước sạch sông Đà (Viwasupco) trước đây có tên là công ty cổ phần nước sạch Vinaconex (thuộc Tổng Công ty Cổ phần Vinaconex) được thành lập vào tháng 3/2009.
Tháng 9/2009, công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, đổi tên từ Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex thành Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex. Sau đó được đổi tên thành Công ty CP nước sạch Sông Đà kể từ ngày 01/02/2018.
Đến ngày 31/12/2018, các cổ đông lớn của công ty gồm có: Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX giữ tỉ lệ 60,46% cổ phần, còn lại là Công ty cổ phần Cơ điện lạnh với 35,95% cổ phần.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (sinh năm 1984) giữ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc GELEX từ ngày 14/1/2018, được giới thiệu là người có kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp (Ảnh: GELEX). |
Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX (GELEX ENERGY) là công ty thành viên thuộc Tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện (GELEX) có vốn điều lệ là 2.300 tỷ đồng, do GELEX giữ 100% vốn.
Thông tin trên website của GELEX, Tổng công ty Thiết bị kỹ thuật điện được thành lập ngày 10/7/1990 nhằm tập trung sức mạnh các đơn vị sản xuất, kinh doanh thuộc ngành công nghiệp kỹ thuật điện.
Tháng 12/2010, doanh nghiệp này được cổ phần hoá để trở thành Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (GELEX) vào tháng 12 năm 2010. Ông Nguyễn Văn Tuấn giữ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc GELEX.
GELEX hiện có 9 Công ty thành viên, hoạt động trên 5 lĩnh vực gồm: Công nghiệp - Logistics - Hạ tầng - Bất động sản - Đầu tư, trong đó Công nghiệp là lĩnh vực chính. Trong đó, nắm giữ 100% vốn tại Công ty TNHH Một thành viên năng lượng GELEX ENERGY hoạt động trong 3 lĩnh vực: đầu tư sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo với các dự án điển hình là điện măt trời Ninh Thuận, Bình Thuận; đầu tư thủy điện với các dự án điển hình như Thủy điện Sông Bung 4A, Thủy điện CANAN 1, CANAN 2 và đầu tư khai thác và cung cấp nước sạch phục vụ đô thị với trọng điểm là Dự án nước sông Đà.
Đặc biệt, đối với lĩnh vực bất động sản GELEX hiện đang tập trung khai thác các quỹ đất hiện có của các đơn vị trong toàn hệ thống theo hướng phát triển trọng tâm là khách sạn, văn phòng, bán lẻ và bất động sản công nghiệp (nhà xưởng, kho tàng, bến bãi).
Các dự án trọng điểm của GELEX có địa điểm tại các vị trí vàng tại các thành phố lớn như: Tổ hợp khách sạn năm sao Melia Hà Nội và tòa nhà văn phòng HCO; Tổ hợp khách sạn, dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê tại số 10 Trần Nguyên Hãn và 27-29 Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, HN; Tòa nhà văn phòng cao cấp GELEX TOWER 52 Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngoài ra, Tổng Công ty đã và đang đẩy mạnh việc đầu tư vào các khu công nghiệp như Khu công nghiệp Cát Hải - Hải Phòng, Tiền Phong - Quảng Ninh.
Minh Nhật
Đường đi của 10m3 dầu thải tới nguồn nước của 250.000 hộ dân Hà Nội
- 10m3 dầu thải khiến nguồn nước sạch sông Đà bị ô nhiễm, ảnh hưởng cuộc sống hơn 250.000 hộ dân Hà Nội.