Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng đề xuất này "sốc" nhưng mang lại thông điệp lớn. Nếu chỉ xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu thì không đủ độ răn đe đối với các "đại gia".

Sốc, nhưng mang thông điệp lớn!

Luật sư Hải nêu ra nhiều băn khoăn của người dân thời gian qua về đề xuất tịch thu phương tiện cá nhân với lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định.

Ông Hải đánh giá việc tịch thu tài sản khiến nhiều người "sốc" vì Hiến pháp mới chỉ nói đến vấn đề bảo hộ chứ chưa nói đến tịch thu.

{keywords}
CSGT tại TP.HCM đo nồng độ còn người điều khiển phương tiện trên đường Phạm Hùng.

Ông Hải đề xuất nên giao cho UBND cấp tỉnh, huyện có thẩm quyền ra quyết định tịch thu xe. Việc kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phải theo kế hoạch, quy trình được chủ tịch UBND cấp tỉnh thông qua và phải quay video làm bằng chứng.

Trường hợp người vi phạm có bằng chứng lực lượng thực thi nhũng nhiễu, nếu tố cáo đúng sẽ được miễn trừ xử phạt, nếu đã nộp hoặc phương tiện đã bị tịch thu sẽ được hoàn trả lại.

Ông Hải cho rằng việc này tránh tình trạng lực lượng chức năng chỉ "phục" quán này mà không kiểm tra quán khác, đảm bảo công bằng.

Đánh giá về đề xuất, ông Hải nhận xét nội dung đề nghị quy định tịch thu phương tiện trong đề xuất của Uỷ ban ATGT Quốc gia không trái Bộ luật Dân sự, không khác biệt Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, cần cân nhắc có phù hợp với Điều 14 Hiến pháp 2013 hay không. Nếu hình sự hóa, cần phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự.

Luật sư này cũng cho rằng đề xuất này "sốc" nhưng mang lại thông điệp lớn. Nếu chỉ xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu thì không đủ độ răn đe đối với các "đại gia".

Đề cập đến vấn đề pháp lý trong đề xuất tịch thu phương tiện, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương khẳng định cá nhân ông ủng hộ.

{keywords}
Hội thảo thu hút rất đông sự quan tâm của truyền thông và các chuyên gia luật, quy hoạch

Theo ông Cương, thẩm quyền tịch thu phương tiện đã được quy định tại điều 38 của Luật Xử phạt vi phạm hành chính hay điều 126 của luật này cũng ghi rõ, trường hợp chủ sở hữu phương tiện nếu không phải người điều khiển thì người điều khiển phải trả tiền phạt tương đương với giá trị xe. Nếu biết rõ người mượn xe say rượu mà vẫn giao xe thì xe cũng bị tịch thu!

“Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Uỷ ban ATGT Quốc gia, cần có chế tài mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn tình trạng say xỉn lái xe, vì các giải pháp nhẹ không còn phù hợp nữa”, ông Cương nhấn mạnh.

Chỉ nên tịch thu khi tái phạm nhiều lần!

Hầu hết các ý kiến tham luận tại Hội thảo đều đồng thuận tăng nặng hình phạt đối với các trường hợp điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá quy định cho phép, tuy nhiên chỉ nên coi tịch thu phương tiện là một hình thức xử phạt bổ sung, áp dụng khi tái phạm nhiều lần hoặc vi phạm lần đầu hết sức nghiêm trọng.

Cụ thể, ông Ngô Dương, Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật Việt Nam kiến nghị: "Giải pháp đầu tiên là nên tăng nặng hình phạt tiền, còn tịch thu phương tiện chỉ là hình thức xử phạt bổ sung, tái phạm mới tịch thu và phải có hình thức theo dõi, giám sát".

Theo ông Dương, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng tịch thu phương tiện khi vi phạm từ lần thứ 2 trở đi.

Đồng quan điểm, TS Trần Hữu Minh - chuyên gia có 10 năm kinh nghiệm quy hoạch giao thông tại nước ngoài cũng cho rằng, việc tịch thu phương tiện chỉ nên coi là 'một lựa chọn trong nhiều lựa chọn'.

Cần phải có nhiều giải pháp khác nhau tương ứng với các mức độ vi phạm. Tại nhiều quốc gia, họ chỉ tịch thu trong 3 trường hợp đặc biệt: Tái vi phạm; vi phạm ở mức độ cự kỳ nghiêm trọng; chống người thi hành công vụ.

"Chúng ta có thể xây dựng hệ thống có nhiều mức phạt khác nhau, lũy tiến theo số lần vi phạm hoặc áp dụng tích điểm, bắt buộc lắp đặt các thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trong ô tô (xe chỉ chạy khi nồng độ cồn dưới mức quy định - đã áp dụng rất thành công ở Châu Âu)", TS Minh gợi ý.

{keywords}
PGS Hoàng Mạnh Hùng cho rằng cần phải hoàn thiện chặt chẽ hơn nữa đề xuất tịch thu phương tiện

Còn nhiều điểm băn khoăn với đề xuất này, PGS.TS Hoàng Mạnh Hùng - nguyên Phó viện trưởng Viện Khoa học hình sự cho rằng, trước khi kiến nghị cần phải làm điều tra và tại thời điểm hiện tại chưa nên triển khai để hoàn thiện chặt chẽ hơn.

PGS Hùng đề xuất nên triển khai Luật cấm rượu bia trước.

"Ở Việt Nam, nếu như Bộ GTVT hỏi 1.000 ông tài xế xe tải, thì chỉ cần phạt 30-40 triệu là họ sợ phát khiếp rồi. Có rất nhiều biện pháp thực hiện như tịch thu, đi tù, phạt tiền, bấm lỗ....", ông Hùng nêu ý kiến.

Tổng kết hội thảo, TS Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết sẽ tiếp thu ý kiến nhiều chiều của công luận để báo cáo, sửa đổi, bổ sung.

Ông Hùng thông tin, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ GTVT, Công an, Tư pháp nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Thủ tướng xem xét trước ngày 31/3/2015.

"Mục đích của đề xuất này là muốn tạo ra một thông điệp đủ sức răn đe đối với người điều khiển giao thông: Đã uống rượu thì không lái xe", ông Hùng nhấn mạnh và khẳng định, bản thân ông đã uống rượu cũng không lái xe.

T.Hạnh