Về những vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đã có cuộc trao đổi với Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam (01/7/2019).

{keywords}
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn

PV: Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phải đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa Phó Tổng Giám đốc?

PTGĐ Phạm Lương Sơn:

Tính đến hết tháng 5/2019, toàn quốc có 84,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số, vượt 0,9% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg và 9% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW. Dự kiến đến cuối năm 2019, chúng ta sẽ đạt tỷ lệ 90% dân số tham gia BHYT.

Cụ thể, xét theo 5 nhóm đối tượng quy định tại Luật BHYT thì: Nhóm do người sử dụng lao động và người lao động đóng có khoảng 13,4 triệu người tham gia. Nhóm do tổ chức BHXH đóng (người đang hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng) khoảng 3,1 triệu người. Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng (trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, người có công với cách mạng, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên; đối tượng bảo trợ xã hội…) khoảng 34,2 triệu người. Nhóm do ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng (hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên, hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình…) đạt 17,1 triệu người. Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình khoảng 16,7 triệu người.

PV: Có thể thấy, chúng ta đang vượt mục tiêu về bao phủ BHYT tại Nghị quyết số 21-NQ/TW. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 11% dân số với khoảng 10 triệu người chưa tham gia BHYT. Số người này thuộc những nhóm đối tượng nào và nguyên nhân do đâu, thưa Phó Tổng Giám đốc?

Phó TGĐ Phạm Lương Sơn:

Như thông tin ở trên, hiện các đối tượng như: Hộ cận nghèo; học sinh, sinh viên; hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình… mặc dù đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHYT từ 30% - 70% nhưng tổng số người tham gia vẫn không cao hơn bao nhiêu so với nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình với cách thức hỗ trợ khác và ít hơn.

Từ kết quả khảo sát thực tiễn của cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, cũng như một số tổ chức quốc tế cho thấy, đối tượng cận nghèo ở nước ta vẫn còn nhiều băn khoăn, trăn trở khi tham gia BHYT. Một bộ phận người cận nghèo có tâm lý trông chờ, mong được ưu đãi, hỗ trợ nhiều hơn; thậm chí muốn được xét là đối tượng nghèo để cấp miễn phí thẻ BHYT.

Hiện nay, ranh giới xác định hộ nghèo và cận nghèo khá mong manh, điều kiện kinh tế của hai nhóm không khác biệt nhiều trong khi người nghèo được Nhà nước hỗ trợ 100% phí mua BHYT, còn người cận nghèo chỉ được hỗ trợ 70%. Nếu trung bình một hộ cận nghèo có 4 - 5 khẩu mà cùng tham gia BHYT thì tổng số tiền phải đóng là khá lớn so với thu nhập của gia đình họ.

Về đối tượng học sinh, sinh viên tỷ lệ tham gia BHYT đang cao hơn so với tỷ lệ tham gia BHYT bình quân chung. Tuy nhiên, ngay trong nhóm đối tượng này đang có sự chênh lệch về tỷ lệ tham gia giữa học sinh và sinh viên; giữa học sinh, sinh viên các vùng miền. Hiện, tỷ lệ sinh viên tham gia BHYT thấp hơn so với học sinh. Theo thống kê từ BHXH các địa phương, các bạn sinh viên thường tham gia BHYT đầy đủ ở năm học đầu tiên và giảm dần ở các năm học tiếp sau. Chỉ riêng TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã có khoảng 300.000 sinh viên chưa tham gia BHYT. Nguyên nhân do điều kiện kinh tế của sinh viên thường khó khăn hơn học sinh khi phải tự trang trải cuộc sống, học hành và tâm lý tuổi trẻ, cậy khỏe chưa nghĩ đến bảo vệ sinh khỏe bản thân...

Bên cạnh đó, đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình thời gian qua tăng nhanh nhưng cũng chưa tương xứng với tiềm năng. Nhận thức của một bộ phận người dân về chăm sóc sức khỏe cũng như trách nhiệm cộng đồng còn có những hạn chế. Nhiều người chỉ lựa chọn tham gia BHYT khi ốm đau, bệnh nặng. Mặt khác, tại một số địa phương chưa có sự quan tâm thỏa đáng của các cấp, các ngành với việc phát triển đối tượng tham gia BHYT...

{keywords}
 

PV: Có thể thấy, mỗi nhóm đối tượng lại có những đặc thù, điều kiện khác nhau. Để phát triển bền vững đối tượng tham gia BHYT, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ thực hiện những giải pháp như thế nào, thưa Phó Tổng Giám đốc?

PTGĐ Phạm Lương Sơn:

Qua thực tiễn hơn 25 năm thực hiện chính sách BHYT đã khẳng định gắn mục tiêu BHYT toàn dân với đổi mới cơ chế tài chính y tế và mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khoẻ toàn dân là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, để đạt được kết quả như mong muốn, cần có những giải pháp quyết liệt và đồng bộ từ tất cả các bên, từ cơ quan hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan tổ chức thực hiện đến các cơ sở khám, chữa bệnh và người tham gia BHYT.

Từ góc độ của cơ quan tổ chức thực hiện, thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai nhiều nhóm giải pháp gồm: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT; đổi mới hình thức và nội dung tuyên truyền gần gũi, phù hợp với từng nhóm đối tượng theo địa lý, trình độ, văn hóa, kinh tế xã hội. Ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của BHXH Việt Nam; đơn giản hóa các thủ tục hành chính; mở rộng hệ thống đại lý thu để người dân tham gia BHYT thêm thuận lợi. Đề xuất, nghiên cứu tăng hỗ trợ mức đóng BHYT đối với một số nhóm đối tượng đặc biệt. Tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thu đóng BHYT đối với các doanh nghiệp để ngăn ngừa tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT, ảnh hưởng đến quyền lợi KCB BHYT của người lao động. Tăng cường công tác giám định BHYT; bảo vệ quyền lợi của người bệnh; ngăn ngừa và phòng chống các hành vi lạm dụng, trục lợi BHYT; đảm bảo nguồn quỹ BHYT được sử dụng an toàn, hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT; đặc biệt là công tác khám chữa bệnh nhằm mang lại sự hài lòng cho người cho bệnh.

PV: Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!

(Theo Baohiemxahoi)