Bổ sung "siêu cảng" quốc tế Cần Giờ là tâm điểm trong điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biển

Bổ sung "siêu cảng" quốc tế Cần Giờ là tâm điểm trong điều chỉnh quy hoạch hệ thống cảng biểnNgày 9/1/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 81/2023/QH15 về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ chưa được quy định rõ tại quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, do đó, cần rà soát, điều chỉnh.

Ảnh minh họa

Góp ý với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, theo hồ sơ báo cáo điều chỉnh quy hoạch,một số nội dung đề xuất điều chỉnh chưa làm rõ sự mâu thuẫn với quy hoạch tổng thể quốc gia như: năng lực hàng hoá, hành khách, nhu cầu sử dụng đất và mặt nước. Do đó, trong công văn mới đây gửi Bộ Giao thông vận tải ý kiến đóng góp đối với hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần bám sát các nội dung mâu thuẫn giữa các quy hoạch, đề xuất phương án điều chỉnh đảm bảo phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.

Đóng góp cụ thể hơn về hồ sơ điều chỉnh quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, một là, về năng lực, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, năng lực hàng hoá thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam được điều chỉnh thành 1.322 – 1.589 triệu tấn, trong đó, hàng container từ 46 – 54 triệu TEU.

Hành khách từ 20,6 – 21,1 triệu lượt hành khách trên cơ sở cập nhật các chỉ tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch tổng thể quốc gia và cập nhật các quy hoạch ngành có liên quan.

Hai là, về bổ sung mục tiêu quy hoạch phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TP.HCM), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra định hướng xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - TP.HCM.

“Vì vậy, việc Bộ Giao thông vận tải đề xuất bổ sung mục tiêu quy hoạch phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - TP.HCM là có cơ sở”, công văn Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Tại khu vực Đông Nam bộ dự kiến quy hoạch hai cảng biển đặc biệt là cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu và cảng biển TP.HCM có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế, vì vậy, Bộ Giao thông vận tải cần nghiên cứu, làm rõ vị trí, vai trò và phương án phân chia luồng hàng hóa qua cảng biển này.

Ba là, liên quan đề xuất của Bộ Giao thông vận tải đưa cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào danh mục các dự án ưu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung thuyết minh vì Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội không nêu cụ thể thời điểm đầu tư.

Ngoài ra, “làm rõ việc bổ sung cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào danh mục các dự án ưu tiên đầu tư nhưng tổng nhu cầu sử dụng đất chỉ là 15.530 ha, giảm so với nhu cầu sử dụng đất 33.600 ha tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị.

Bốn là, về nhu cầu vốn đầu tư thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư muốn Bộ Giao thông vận tải rà soát lại nhu cầu vốn đầu tư cho phù hợp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng biển đến năm 2030 là 313.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi bổ sung cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào quy hoạch và Danh mục ưu tiên, tổng nhu cầu đầu tư phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030 chỉ dự kiến khoảng 312.600 tỷ đồng.

Cần Giờ hội tụ đủ điều kiện để phát triển cảng biển cửa ngõ quốc gia và trung chuyển quốc tế

Huyện Cần Giờ có vị trí địa lý tiếp giáp với biển Đông, nằm giữa 2 cửa sông lớn Soài Rạp, Lòng Tàu và tiếp giáp với sông Thị Vải, là các tuyến hàng hải quan trọng của cảng biển nhóm 4 (nhóm cảng biển Nam Trung bộ), hội tụ đủ điều kiện để phát triển cảng biển cửa ngõ quốc gia và trung chuyển quốc tế.

Theo “Đề án nghiên cứu xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ”, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được đề xuất đặt tại khu vực Cù lao Phú Lợi (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Cù lao này có hơn 93ha rừng phòng hộ, trong đó có hơn 82ha đất có rừng và được bao quanh bởi sông Thị Vải, sông Thêu. Khu vực này nằm trong vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, do đó, dự án không ảnh hưởng đến vùng lõi rừng.

Theo đề xuất, cảng có tổng chiều dài mặt sông là 7,2km, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay 24.000 Teus. Tổng mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỷ USD. Dự án được phân kỳ thành 7 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm 2045 (giai đoạn 1 sẽ xong vào năm 2027).

Về công nghệ, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là công nghệ cảng xanh, sử dụng điện. Nhà đầu tư cũng cam kết mang công nghệ hiện đại nhất đến Cần Giờ.

Việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế sẽ là hạt nhân thúc đẩy và phát triển Cần Giờ thành một trung tâm cảng biển, logistics hàng đầu của cả nước; thực hiện chủ trương di dời cảng Sài Gòn ra khỏi nội đô thành phố.

Bên cạnh đó, sẽ thu hút các hãng tàu, hãng vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics. Đồng thời, sẽ sớm đưa khu vực cửa sông Cái Mép thành cửa ngõ trung chuyển quốc tế, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới.

Phạm Lương Bằng, Vũ Việt Bảo Phùng, Hà Ngọc Dũng, Nguyễn Hồng Hạnh