Ở góc độ của đơn vị được giao trọng trách chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ TT&TT tham mưu phát triển hạ tầng ICT phục vụ phát triển đô thị thông minh, Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cũng đã xác định rõ định hướng: Cần coi đô thị thông minh như một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả chứ không phải một tập hợp rời rạc các ứng dụng CNTT; Coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế xã hội khác.

Đại diện Cục Tin học hóa nhấn mạnh rằng việc xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các cấp các ngành, không phải nhiệm vụ riêng của ngành hay cơ quan cụ thể nào.

“Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có định hướng cụ thể hơn về phát triển đô thị thông minh cho các địa phương”, đại diện Cục Tin học hóa cho biết.

{keywords}
Theo đại diện Cục Tin học hóa, việc xây dựng đô thị thông minh đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các cấp các ngành, không phải nhiệm vụ riêng của ngành hay cơ quan cụ thể nào (Ảnh minh họa: Internet)

Bên cạnh việc ghi nhận những kết quả bước đầu của các địa phương trong việc triển khai “Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030” (còn gọi là Đề án 950), đại diện Cục Tin học hóa cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam thời gian qua.

Cụ thể như, hiện nay đa phần các địa phương vẫn đang tập trung nhiều cho dịch vụ đô thị thông minh, chưa quan tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị như vấn đề quy hoạch, hạ tầng giao thông.... Nếu chỉ tập trung cho phát triển dịch vụ đô thị thông minh thì mới chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề quản lý và phát triển đô thị, chưa giải được những vấn đề căn cơ, những bài toán lớn của đô thị như quy hoạch, giao thông, môi trường, năng lượng, rác thải...

Một số địa phương còn nóng vội trong triển khai đô thị thông minh, chưa hiểu thấu đáo về nội hàm, ý nghĩa của việc triển khai đô thị thông minh mà chỉ học hỏi một cách máy móc mô hình của địa phương khác hoặc mô hình quốc tế để triển khai trong khi chưa xem xét mức độ phù hợp với đặc thù của địa phương mình.

Một số địa phương chưa chủ động và làm chủ trong việc đặt đầu bài cụ thể để giải quyết các vấn đề đặc thù của địa phương mà phụ thuộc vào tư vấn và các sản phẩm sẵn có của doanh nghiệp dẫn đến việc nhiều địa phương triển khai các nội dung đơn lẻ, thiếu tính tổng thể và thiếu một kiến trúc nhất quán.

Không những thế, nhiều các địa phương chưa chú ý đúng mức đến việc hình thành hạ tầng dữ liệu, chưa có chiến lược dữ liệu, chưa quan tâm xây dựng hệ thống định danh, định vị thống nhất; nhiều địa phương chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp tham gia cùng với chính quyền trong phát triển đô thị thông minh.

Ngoài ra, phần lớn các địa phương hiện nay khi triển khai mới chỉ tập trung vào giải quyết các vấn đề trong nội bộ của đô thị, thành phố hay địa phương đó, chưa tính toán đến các yếu tố để có thể tận dụng được những lợi thế mang lại từ công tác quy hoạch liên kết vùng, khu vực.

Vân Anh

Bộ Xây dựng: Đô thị thông minh vẫn là vấn đề mới tại Việt Nam

Bộ Xây dựng: Đô thị thông minh vẫn là vấn đề mới tại Việt Nam

Đại diện Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng cho biết mặc dù được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông song đô thị thông minh vẫn là một vấn đề mới tại Việt Nam và cả trên thế giới, vẫn cần thời gian nghiên cứu.