Hạ tầng viễn thông, thông tin di động đã trải qua nhiều thế hệ phát triển, từ 2G đến 3G, 4G và hiện tại là 5G. Mỗi thế hệ đều đánh dấu sự cải tiến lớn về tốc độ truyền dữ liệu, khả năng kết nối, và dung lượng mạng. 

2G ra đời vào những năm 1990, cho phép truyền dữ liệu văn bản (SMS). 3G, xuất hiện vào đầu những năm 2000, cung cấp dịch vụ Internet di động với tốc độ nhanh hơn, hỗ trợ các dịch vụ dữ liệu nặng như video và email. 4G tiếp tục nâng cao tốc độ và chất lượng, cho phép phát video độ phân giải cao và các ứng dụng trực tuyến yêu cầu dung lượng lớn. Hiện tại, mạng 5G đang được triển khai với khả năng kết nối mạnh mẽ, tốc độ cao gấp nhiều lần 4G và độ trễ cực thấp, mở ra tiềm năng cho các ứng dụng Internet vạn vật (IoT), xe tự lái và thành phố thông minh.

W-462572121_808223961433914_5599358279783254253_n.jpg
Việc triển khai các trạm gốc thông tin di động là yếu tố then chốt để phát triển hạ tầng số góp phần phát triển kinh tế-xã hội.

Trong cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số đã và đang là xu thế tất yếu, có tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Để đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chuyển đổi số, yêu cầu đặt ra là cần phải phát triển đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin và các nền tảng số, trong đó bao gồm hệ thống trạm BTS. Trạm BTS đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp sóng điện thoại di động và kết nối người dùng với dịch vụ viễn thông. 

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt mục tiêu, đến năm 2025, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G, 5G và đến năm 2030, phổ cập  dịch vụ mạng di động 5G. Với quan điểm, người dân là trung tâm của chuyển đổi số, thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số, Quyết định số 749 cũng xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp phát triển hạ tầng số, trong đó nêu rõ: Quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, nâng cấp mạng di động 4G, sớm thương mại hóa mạng di động 5G.

Việc triển khai các trạm gốc thông tin di động là yếu tố then chốt để phát triển hạ tầng số góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; đảm bảo an ninh, quốc phòng, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn. 

Các doanh nghiệp viễn thông đang tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có trạm thu phát sóng thông tin di động (trạm BTS). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng, lắp đặt, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do người dân nhận thức chưa đầy đủ đã khiếu kiện, phản đối việc lắp đặt trạm BTS trên địa bàn.

Tại một số địa phương vẫn phổ biến tình trạng người dân kiến nghị, phản đối việc doanh nghiệp xây dựng, lắp đặt trạm BTS trong khu vực dân cư. Bên cạnh đó, chính quyền cấp xã còn e ngại, chưa thực sự quyết liệt ủng hộ doanh nghiệp, dẫn đến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xây dựng trạm BTS.

Đầu năm 2020, Ủy ban quốc tế về bảo vệ bức xạ không ion hóa (ICNIRP), đã phát hành phiên bản cập nhật của tài liệu hướng dẫn giới hạn phơi nhiễm trường điện từ dải tần từ 100kHz đến 300GHz (dải tần này bao phủ các dải tần dành cho tất cả các công nghệ di động hiện nay). Theo đó, ICNIRP khẳng định các giới hạn phơi nhiễm quốc tế vẫn bảo đảm sự an toàn đối với mọi người (kể cả trẻ em). Còn tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có Công văn số 616/BKHCN-KHCN ngày 20/3/2006 gửi Văn phòng Chính phủ khẳng định cho đến nay chưa có bằng chứng khoa học cho thấy sóng điện từ của các trạm thu phát sóng gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Năm 2010, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành quy chuẩn quốc gia QCVN 08:2010/BTTTT - Trạm gốc điện thoại di động mặt đất công cộng - Phương pháp đo mức phơi nhiễm trường điện từ. Ngày 29/11/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư 21/2022/TT-BTTTT ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 8:2022/BTTTT về phơi nhiễm trường điện từ của các trạm gốc điện thoại di động mặt đất (thay thế QCVN 08:2010/BTTTT). Đây là cơ sở để phục vụ việc kiểm định kỹ thuật các công trình trạm BTS nhằm bảo đảm an toàn về bức xạ điện từ.

Khi xây dựng trạm BTS, các nhà mạng phải thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý và được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng ở những vị trí phù hợp với quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của tỉnh và của doanh nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt trong từng giai đoạn. Cột ăng ten trạm BTS được lắp đặt theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, bảo đảm an toàn về kết cấu, chịu lực, chịu được gió bão và được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên. 

Ngoài ra, trạm BTS trước khi đưa vào sử dụng cũng đã được kiểm định tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn an toàn về phơi nhiễm sóng điện từ trường và cấp giấy chứng nhận kiểm định để bảo đảm an toàn cho người dân. Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện kiểm định trạm BTS của các doanh nghiệp.

Để bảo đảm chất lượng phủ sóng thông tin di động, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của ngành chức năng và chính quyền địa phương, doanh nghiệp viễn thông đang rất cần sự ủng hộ từ phía người dân.

*Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm tại các khu vực trạm BTS, người dân có thể liên hệ trực tiếp đến Trung tâm đo lường chất lượng viễn thông, thuộc Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông theo số điện thoại: Giám đốc Trung tâm: Ông Hồ Đức Lượng​: 0985899899.