Kiến trúc – Ngành nghệ thuật tạo dựng môi trường - không gian sống của con người và cộng đồng, đang chịu những tác động to lớn của quá trình đô thị hoá, công nghiệp hoá và của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Ngày nay, việc đưa các yếu tố tự nhiên vào trong đời sống con người ngày càng phổ biến. Vì vậy. xu hướng “kiến trúc xanh” ra đời. Xu hướng này được áp dụng trong các thiết kế kiến trúc nhằm kết nối con người, hướng hoạt động sống và làm việc hàng ngày gần gũi hơn với thiên nhiên.
Như vậy, kiến trúc xanh có nhiều điểm tương đồng với kiến trúc bền vững. Tuy nhiên 2 khái niệm này hoàn toàn khác nhau.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu thì hiện nay chưa có định nghĩa chính xác cho “kiến trúc xanh là gì?”. Tuy nhiên có thể hiểu cơ bản kiến trúc xanh là một xu hướng mới trong thiết kế – thi công các công trình kiến trúc. Mục đích của nó là giảm thiểu tối đa các tác động của công trình đối với môi trường và cảnh quan thiên nhiên.
Quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số và phát triển dẫn tới nhu cầu sử dụng năng lượng và xả thải ra môi trường ngày càng gia tăng. Trước tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp thì nhiều chiến lược được nghiên cứu và đưa ra nhằm hướng tới việc phát triển bền vững. Trong đó có các xu hướng kiến trúc xanh như: Kiến trúc sinh thái, Kiến trúc sinh – khí hậu, Kiến trúc hiệu quả năng lượng và Kiến trúc môi trường.
Mỗi một xu hướng có mục tiêu khác nhau nhưng cũng có những điểm tương đồng và liên kết chặt chẽ. Các xu hướng này ngày càng được áp dụng nhiều hơn và trở nên phổ biến trên khắp thế giới.
Tại Việt Nam, phát triển kiến trúc xanh đã đi được một chặng đường khá dài, hơn 10 năm để thể nghiệm và đánh giá rút kinh nghiệm, làm cơ sở cho việc nhân rộng đại trà góp phần mang lại nhiều hiệu quả tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung quốc gia.
Để góp phần tạo lập môi trường sống bền vững cho con người hiện nay và trong tương lại, Hội Kiến trúc sư Việt Nam ban hành ” Tiêu chí Kiến trúc Xanh Việt Nam”. Theo đó: 1. Địa điểm bền vững Mục tiêu: Nhằm tạo lập cảnh quan hài hòa, bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực giữa công trình kiến trúc với cảnh quan xung quanh và khai thác, phát huy những yếu tố tự nhiên có lợi cho môi trường sống của con người. 2. Sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả Mục tiêu: Nhằm nâng cao hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; hạn chế tác động đến môi trường tự nhiên và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính trong việc sử dụng tài nguyên đất đai, nước, năng lượng, vật liệu… để phát triển kiến trúc. 3. Chất lượng môi trường trong nhà Mục tiêu: Tạo được môi trường trong nhà có chất lượng, bảo đảm an toàn, vệ sinh và tiện nghi, sử dụng hiệu quả công trình. 4. Kiến trúc tiên tiến, bản sắc Mục tiêu: Nhằm hướng tới nền kiến trúc tiến bộ gắn với kế thừa các giá trị truyền thống, tạo lập bản sắc kiến trúc Việt Nam. 5. Tính xã hội, nhân văn bền vững Mục tiêu: Phát triển kiến trúc phải gắn với mục tiêu tạo lập, gìn giữ, nuôi dưỡng môi trường xã hội - nhân văn ổn định, bền vững. |