Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn là một trong những nội dung quan trọng của nhiệm vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Việc hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng phát triển, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết trên địa bàn tỉnh năm 2020 đạt 21,05%, vượt mục tiêu theo Quyết định số 678/QĐ-TTg ngày 19/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Các loại hình kinh tế hợp tác có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Đến nay, toàn tỉnh có 349 tổ hợp tác và 627 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 339 hợp tác xã hoạt động hiệu quả (chiếm 54,06% số hợp tác xã toàn tỉnh), 196 hợp tác xã, 120 tổ hợp tác tham gia hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Các loại hình kinh tế hợp tác, đặc biệt là hợp tác xã, tổ hợp tác đã phát huy tương đối tốt vai trò là đầu mối cho bà con nông dân trong việc cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất; bước đầu thực hiện tốt khâu tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Phát triển kinh tế hợp tác góp phần quan trọng vào việc thực hiện đạt các tiêu chí về nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí về thu nhập, xóa đói giảm nghèo và tổ chức sản xuất. Nhờ đó, đến nay có 280/411 xã và 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Các hợp tác xã nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu tổ chức lại sản xuất, gắn với xây dựng nông thôn mới; vẫn còn nhiều hợp tác xã hoạt động thụ động, việc hỗ trợ cho thành viên còn hạn chế. Hợp tác, liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân với nhau chưa mạnh, hiệu quả chưa cao. Một số xã đạt chuẩn nông thôn mới nhưng việc tổ chức sản xuất chưa tốt. Phát triển hợp tác xã còn có sự chênh lệch giữa các vùng miền. Công tác quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác vẫn còn những bất cập nhất định.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại, hạn chế nêu là do phần lớn nông dân vẫn còn thói quen sản xuất tự cung, tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ, chưa mạnh dạn tham gia hợp tác, liên kết để đầu tư sản xuất kinh doanh. Năng lực nội tại của các hợp tác xã còn yếu, phần lớn đội ngũ cán bộ quản lý của các hợp tác xã có tuổi đời cao, trình độ, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hợp tác vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn chưa nhiều, chưa mặn mà trong việc liên kết với các hợp tác xã, tổ hợp tác để đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Một số nơi cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện cho kinh tế hợp tác phát triển; nhận thức về kinh tế hợp tác của một số cán bộ, đảng viên và người dân chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ kinh tế hợp tác trong nông nghiệp còn những bất cập, hiệu quả chưa cao, thiếu nguồn lực để thực hiện. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, nắm tình hình hoạt động và chấp hành chính sách, pháp luật của các loại hình hợp tác chưa được triển khai thường xuyên, kịp thời.
Nhằm tiếp tục đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế hợp tác, góp phần thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 01/12/2021 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU về đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Nghị quyết yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp:
Tiếp tục quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Kết luận số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX); Nghị quyết số 134/NQ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về triển khai thực hiện Kết luận số 70-KL/TW của Bộ Chính trị; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của kinh tế hợp tác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xác định rõ phát triển kinh tế hợp tác là xu thế tất yếu, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Từ đó, phát huy tốt vai trò của từng tổ chức trong hệ thống chính trị, trước hết là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với lĩnh vực kinh tế hợp tác trên địa bàn.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thành lập và phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, trọng tâm là thành lập và phát triển các mô hình hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác, hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn theo chiều sâu, hiệu quả, bền vững.
Đặc biệt, quan tâm thành lập và phát triển các hợp tác xã có quy mô liên xã, liên huyện; các hợp tác xã ở các xã có kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; các địa bàn vùng miền núi, dân tộc thiểu số và những địa bàn có tiềm năng, lợi thế về nguồn lao động và nguồn lực tự nhiên. Quan tâm xây dựng, nhân rộng các mô hình hợp tác hoạt động có hiệu quả gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, áp dụng cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất, bảo quản, chế biến và quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến phát triển kinh tế hợp tác, trong đó quan tâm đến chính sách thu hút doanh nghiệp hợp tác, liên kết với hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân để sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; các chính sách khuyến khích hộ nông dân tự nguyện hợp tác và cùng có lợi. Ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách được ban hành, đặc biệt ưu tiên nguồn lực từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ kinh tế hợp tác phát triển.
Tiếp tục kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác từ tỉnh đến cơ sở. Quan tâm bố trí, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về kinh tế hợp tác, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở, thu hút cán bộ trẻ có trình độ, năng lực tham gia bộ máy quản lý hợp tác xã. Quan tâm phát triển các tổ chức cơ sở đảng, đoàn thể trong tổ chức kinh tế tập thể.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình, theo dõi thường xuyên các hoạt động kinh tế hợp tác; tiến hành sơ kết, tổng kết hàng năm để có các giải pháp chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.
Song song, để đạt được các mục tiêu đề ra, toàn tỉnh tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng NTM và xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thôn/bản nông thôn mới; tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã. Các địa phương thực hiện phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho cư dân nông thôn; đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; tạo chuyển biến rõ nét về vệ sinh, môi trường, cảnh quan nông thôn theo hướng xanh - sạch - đẹp; Xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn chuẩn.