Theo ông Trịnh Văn Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh Điện Biên: “Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Hội Nông dân tỉnh về hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp, Trung tâm đã khảo sát, xây dựng mô hình trồng cây táo Đài Loan theo hướng an toàn trên diện tích 8.000m2 tại xã Thanh Yên, huyện Điện Biên. Phối hợp với Văn phòng Phát triển bền vững, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức lựa chọn địa điểm thực hiện mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học phát triển cây nho hạ đen tại xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên). Việc thực hiện các mô hình giúp nông dân trên địa bàn tỉnh được tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương”.

W-20240410_152133.jpg
Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Với diện tích đất canh tác rộng và ưu thế về chuồng trại, kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh đã thực hiện Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sinh sản, chăn nuôi và trồng, chế biến thức ăn nhằm phát triển bền vững đàn trâu hàng hóa tại tỉnh Điện Biên. Trong quá trình thực hiện, các kỹ thuật mới sẽ được áp dụng vào thực tế, như quy trình kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trâu đực Murrah với trâu cái Việt Nam, kỹ thuật trồng cỏ VA-06, kỹ thuật chế biến thức ăn cho trâu... Sau đó, Trung tâm tiến hành đánh giá mô hình và chuyển giao kỹ thuật cho người dân.

Thời gian qua, nhiều mô hình nông lâm nghiệp đã triển khai và được đánh giá cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng dứa ở xã Na Sang, bí xanh tại 2 xã Na Sang và Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà); chăn nuôi cá lồng trên các hồ thủy lợi Pá Khoang, Hồng Khếnh, Nọong Luông; nuôi ong của Hợp tác xã ong mật xã Sam Mứn (huyện Điện Biên); nuôi ong rừng, trồng bí xanh xã Chà Nưa; trồng rau sạch của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Si Pa Phìn, xã Si Pha Phìn (huyện Nậm Pồ)...

Việc triển khai các mô hình kinh tế mới có sự hỗ trợ không nhỏ của cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương. Đó cũng là cơ hội để người dân tiếp cận gần hơn với các ứng dụng khoa học, kỹ thuật; từ đó mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi đem lại hiệu quả cao.

Bà Chu Thị Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết, việc áp dụng, thử nghiệm các mô hình phát triển kinh tế mới, các khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp là bước quan trọng để đánh giá hiệu quả thực tế. Trên cơ sở đó tạo điều kiện cho bà con tiếp cận các mô hình kinh tế mới, các biện pháp trồng trọt, chăn nuôi theo đúng tiến bộ khoa học kỹ thuật; góp phần nâng cao thu nhập và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương…