Bên thềm lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Oman (9/6/1992 - 9/6/2022), Đại sứ Oman tại Việt Nam Saleh Mohamed Ahmed Al Sagri chia sẻ về những thành tựu cũng như triển vọng phát triển quan hệ hai nước ngày càng sâu sắc và toàn diện hơn.
Trong suốt 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nước đã không ngừng nỗ lực củng cố, phát triển quan hệ song phương trên tất cả các lĩnh vực, cấp độ. Điển hình là sự ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế; trao đổi các chuyến thăm chính thức cấp cao, gặp gỡ xúc tiến thương mại của doanh nghiệp hai nước.
Hai nước đã ký khoảng 10 hiệp định/thỏa thuận và 3 biên bản ghi nhớ trong nhiều lĩnh vực khác nhau như chính trị, kinh tế, đầu tư, thương mại…
Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong khi Oman có thế mạnh trong xuất khẩu khí hóa lỏng và có trữ lượng dầu mỏ cao; phát triển năng lượng tái tạo và cảng biển. Oman có rất nhiều cảng biển công suất lớn nhưng hai nước chưa có đường biển trực tiếp…
Các dữ liệu tiềm lực trên có phải là động lực quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Oman trong giai đoạn hiện nay, thưa Đại sứ?
Có thể thấy các thỏa thuận, biên bản ghi nhớ, các cuộc họp chung, chuyến thăm lẫn nhau đều nằm trong khuôn khổ củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đó là quá trình liên tục, năng động giữa hai bên. Chúng tôi hy vọng rằng, mối quan hệ sẽ tiếp tục phát triển, và chứng kiến thêm nhiều chuyến viếng thăm bằng đường thủy và đường bộ trực tiếp trong thời gian tới.
Kim ngạch thương mại song phương có thể tăng trưởng đáng kể nếu các hãng tàu và đường bay trực tiếp được mở giữa hai nước. Chúng tôi đang nỗ lực để hoàn thành mục tiêu này trong tương lai gần.
Oman là cầu nối Việt Nam với Trung Đông và châu Phi
Quỹ đầu tư chủ quyền Việt Nam- Oman (VOI) được xem là mô hình tiêu biểu cho hoạt động đầu tư song phương, Đại sứ đánh giá như thế nào về vai trò quỹ này?
VOI được xem như cầu nối quan trọng giữa hai quốc gia. Từ vốn cam kết ban đầu là 100 triệu USD năm 2009, thông qua VOI chúng tôi đã giải ngân hơn 300 triệu USD đến nay.
Quỹ VOI đã không ngừng đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau tại các khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam; trong đó tập trung vào các lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ, năng lượng tái tạo, nước sạch, nông nghiệp công nghệ cao, và nhiều lĩnh vực hỗ trợ phát triển bền vững tại Việt Nam.
Đặc biệt Quỹ hết sức quan tâm yếu tố phát triển con người ở Việt Nam và đã mở rộng đầu tư vào giáo dục; thực hiện nhiều dự án an sinh xã hội: xây dựng trường học tại miền Trung; hỗ trợ khẩu trang, vật tư y tế đồng hành cùng Chính phủ và người dân Việt Nam phòng, chống đại dịch Covid-19.
Oman là cầu nối giữa Việt Nam với khu vực Trung Đông và Châu Phi, ông có cho rằng khả năng Oman mở các tuyến đường biển trực tiếp từ Oman vào Việt Nam là cần thiết và lợi ích? Chúng ta cần sự hỗ trợ gì từ Chính phủ hai nước để hiện thực?
Không thể phủ định vị trí của hai quốc gia, Vương quốc Oman và Việt Nam đều nằm ở các vị trí chiến lược. Hai nước có thể tìm được những cơ chế thích hợp để kết nối hai nước bằng đường biển và đường hàng không. Đây là điểm thuận lợi để phục vụ lợi ích hợp tác trong tương lai, đặc biệt là liên kết liên lạc hai nước.
Ông đánh giá như thế nào về triển vọng, cơ hội nâng tầm quan hệ giữa Việt Nam và Oman sau 30 năm quan hệ hai nước phát triển tốt đẹp?
Chúng tôi tin tưởng rằng những nỗ lực tốt đẹp của lãnh đạo hai nước sẽ tiếp tục nâng tầm quan hệ hợp tác giữa Oman và Việt Nam trên các lĩnh vực sâu rộng, phù hợp với lợi ích chung, phục vụ nhân dân hai nước hữu nghị.
Bảo Đức