Từ câu chuyện gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung

Gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, một sản vật truyền thống của người dân tộc Mường ở huyện Yên Lập (Phú Thọ), từng có thời gian nguy cơ mất giống. Ông Trần Kim Sơn, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Lung cho hay, năm 2005, cả tỉnh Phú Thọ chỉ có duy nhất xã Mỹ Lung còn trồng gạo nếp Gà gáy với diện tích ít ỏi, khoảng 4-5 ha.

Dự án phục tráng gạo nếp Gà gáy được thực hiện từ năm 2005-2011, diện tích và năng suất nếp Gà gáy tăng lên 70 ha. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, diện tích trồng gạo nếp Gà gáy lại giảm xuống còn 40 ha vào năm 2012.

Ông Khúc Ngọc Tung, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung kể, HTX đã cùng bà con nông dân xã Mỹ Lung bàn bạc và quyết tâm quy hoạch cánh đồng riêng để trồng gạo nếp, gìn giữ một sản vật quý. Đồng thời, nghiên cứu đặc tính của giống cây để đưa ra phương pháp chăm sóc phù hợp nhất. Nhóm giống có nhiệm vụ bảo tồn giữ nguồn gen quý, không bị lẫn tạp và cung ứng đủ giống cho các hộ gia đình.

HTX trực tiếp hướng dẫn thành viên và bà con nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc theo hướng sản xuất hữu cơ, thân thiện với môi trường, áp dụng các công nghệ phù hợp như sử dụng ít phân bón, nước tưới, từ đó hạn chế được sâu bệnh mà vẫn tạo ra sản phẩm chất lượng cao, năng suất tốt. HTX còn là đầu mối thu mua sơ chế, bao tiêu, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và người dân trong xã.

{keywords}
Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân (ảnh: B.Anh)

Đến nay, HTX Sản xuất kinh doanh gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung có 132 xã viên, diện tích gieo cấy nếp Gà gáy vượt 80 ha vào năm 2019, chiếm khoảng 50% tổng diện tích đất trồng lúa của xã Mỹ Lung. Năng suất trung bình 120-150 kg/sào, tương đương 3,2 đến 4,0 tấn/ha, doanh thu trung bình đạt 90 triệu đồng/ha, cao gấp 3 lần so với trồng các giống lúa khác.

Năm 2019, gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung đoạt Cúp Vàng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và từng bước xây dựng thương hiệu, đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2020.

Ngày 23/8/2021, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1997/QĐ-BCT về việc công nhận 200 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Quốc gia năm 2021.

Sản phẩm gạo nếp Gà gáy của huyện Yên Lập tiếp tục được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt danh mục nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Quốc gia đặt hàng thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ bắt đầu thực hiện từ năm 2022 tại Quyết định số 1984/QĐ-BKHCN ngày 27/7/2021 với nội dung “Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm gạo nếp gà gáy Mỹ Lung của tỉnh Phú Thọ”.

Hiện nay, gạo nếp Gà gáy đã được HTX Sản xuất kinh doanh gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ tại siêu thị và đại lý trên địa bàn tỉnh cùng một số tỉnh, thành lân cận. Với doanh thu từ gạo nếp Gà gáy hằng năm ước đạt trên 2 tỷ đồng đã giúp các thành viên của HTX Sản xuất kinh doanh gạo nếp Gà gáy và người dân xã Mỹ Lung vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Thay đổi tư duy

Gạo nếp Gà gáy là một ví dụ thành công của xây dựng chuỗi liên kết giá trị, tạo dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, Phú Thọ là tỉnh có nhiều cây, con, sản phẩm nông, lâm, thủy sản phong phú mang tính đặc trưng, đặc sản với nhiều lợi thế để triển khai chương trình OCOP mang bản sắc riêng. Tiêu biểu như bưởi Đoan Hùng, chè xanh, chuối phấn vàng, hồng không hạt Hạc Trì, hồng không hạt Gia Thanh, gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung, khoai tầng vàng, cá sông Đà, gà nhiều cựa,...

Để tạo chỗ đứng, nâng tầm cho sản phẩm OCOP, tỉnh Phú Thọ đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nâng cấp, tiêu chuẩn hóa sản phẩm; trong đó tập trung hỗ trợ mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, tập huấn, thuê cán bộ kỹ thuật cho các tổ chưc kinh tế, chủ thể tham gia thực hiện chương trình OCOP.

Tỉnh hỗ trợ chi phí thiết kế nhãn hiệu, đăng ký nhãn hiệu, in tem, giấy chứng nhận, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, xây dựng logo, in tem, bao bì, đăng ký mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm các sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, tỉnh chủ trương hỗ trợ các chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP quảng bá sản phẩm trên các trang thương mại điện tử trong tỉnh, tổ chức giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh.

Ông Vũ Quốc Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn cho biết: Những thay đổi từ tư duy chỉ đạo đã tạo ra đổi thay thực sự tại các địa phương. Người dân nhanh chóng bắt tay vào xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị kinh tế cao.

Dưới sự hướng dẫn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh cùng các cơ quan, đơn vị, người dân đã học hỏi kiến thức mới để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, coi trọng chất lượng, giá trị, lợi nhuận gắn với an toàn thực phẩm nông sản.

Đánh giá hiệu quả, theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Phú Thọ Nguyễn Nam Cường, mục tiêu của OCOP đặt ra không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, mà còn khơi dậy được những tiềm năng của địa phương. Quan trọng là khi các sản phẩm của mỗi làng, mỗi xã được “đóng dấu” OCOP phải là những sản phẩm rất đáng tự hào, là một “sứ giả” mang nét đặc trưng riêng của con người, vùng đất Phú Thọ.

Phú Thọ đặt mục tiêu, đến hết năm 2021 có ít nhất 78 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, 25 sản phẩm đạt 4 sao, 51 sản phẩm đạt hạng 3 sao và có 1-2 sản phẩm đạt hạng 5 sao; mỗi xã, phường có ít nhất 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Đồng thời, tỉnh sẽ xây dựng 2 mô hình , dự án sản phẩm du lịch công đồng, điểm du lich đạt hạng 3 sao trở lên; hỗ trợ xây dựng thêm điểm quảng bá sản phẩm OCOP gắn với hoạt động các tour, tuyến du lich lễ hội trong tỉnh.

Tỉnh từng bước xây dựng sản phẩm OCOP Phú Thọ thành thương hiệu, lợi thế có khả năng cạnh tranh trên thị trường đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội tiêu và từng bước hướng tới xuất khẩu.

Bảo Anh