Phi công 10 quốc gia so tài bay lượn, khám phá đại ngàn Kon Tum ở độ cao 1.200m
Gần 120 phi công đến từ Việt Nam và 9 quốc gia khác đã tranh tài tại giải Dù lượn tỉnh Kon Tum mở rộng “Khám phá đại ngàn - Sa Thầy 2023”. Sự kiện cũng thu hút nhiều du khách tới địa phương.
Cuối tuần qua (4-5/2), gần 120 phi công trong và ngoài nước đã tham gia giải Dù lượn tỉnh Kon Tum mở rộng “Khám phá đại ngàn - Sa Thầy 2023”.
Đây là lần thứ hai, huyện Sa Thầy (Kon Tum) đăng cai tổ chức giải dù lượn. Nơi đây bao quanh bởi dãy núi Chư Tan Kra, dãy Charlei và núi Chư Mom Ray, địa hình đồi núi nhiều tầng, đón được nhiều hướng gió; độ cao phù hợp để chơi dù lượn không động cơ và dù có động cơ
Vùng bay bên dưới phẳng và trống trải, dân cư thưa thớt, có nhiều điểm cất và hạ cánh, là địa điểm lý tưởng để các phi công có những trải nghiệm khám phá tuyệt vời thiên nhiên, phong cảnh núi rừng từ độ cao trên 1200m. Nhiều khách du lịch cũng tìm tới đây để tận hưởng khung cảnh nên thơ, chiêm ngưỡng hàng trăm cánh dù lượn đủ sắc màu bay khắp bầu trời Sa Thầy
Giải đấu diễn ra từ ngày 2-5/2, thu hút 120 vận động viên đến từ 14 câu lạc bộ tham gia, trong đó có 26 vận động viên người nước ngoài đến từ 9 quốc gia: Canada, Thụy Sĩ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc). Các vận động viên tham gia giải sẽ được tính điểm trên bảng xếp hạng CIVL WPRS thế giới (Hệ thống xếp hạng vận động viên dù lượn thế giới), cũng như được PWCA (Hiệp hội các giải dù lượn Thế giới) công nhận để xét duyệt letter (Tiêu chí điều kiện) của Paragliding Worldcup
Các vận động viên tranh tài ở 2 hạng mục giải, gồm: hạ cánh chính xác và bay đường trường (XC)
Sa Thầy nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Kon Tum và cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 30km với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ như Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, hồ Ya Ly, hang Dơi... Sự kiện dù lượn là dịp thu hút du khách trong và ngoài nước tới chiêm ngưỡng nét đẹp phong cảnh thiên nhiên, văn hóa, con người và các sản phẩm dịch vụ tại Sa Thầy
Mùa bay tại Sa Thầy kéo dài từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Giờ chiếu sáng vào mùa khô kéo dài, tạo nhiều luồng khí nóng bốc lên từ 10 giờ đến 18 giờ hàng ngày, thích hợp để có chuyến bay dài dành cho các phi công chuyên nghiệp. Các khu đồi thấp thì rất phù hợp cho các phi công mới, công tác huấn luyện và tập bay an toàn
Câu lạc bộ Dù lượn SaiGon Paragliding (SGP) cùng với Hiệp hội các giải dù lượn Thế giới tại Việt Nam (PWCAVN) chịu trách nhiệm về kỹ thuật như sân bãi, thi đấu, chấm điểm, trọng tài... và phối hợp cùng các đơn vị tổ chức liên quan như BCHQS Tỉnh Kon Tum và Trung tâm điều hành bay 2 để hiệp đồng, báo và dự báo bay trong quá trình tổ chức giải...
"Điểm bay Chư Tan Kra được các phi công trong và ngoài nước đánh giá là điểm bay ngoạn mục, có điều kiện thời tiết thuận lợi cho bay đường trường theo tiêu chuẩn bay quốc tế. Chúng tôi hy vọng, sự kiện sẽ lan tỏa được đam mê dù lượn và giúp địa phương có thêm hoạt động thu hút du khách, phát triển du lịch", ông Lê Minh - đại diện SGP cho biết.
Ảnh: Nguyễn Hồng Huy/SGP