- Nhớ lại lúc luyện bay chuyển loại, ông Từ Đễ vẫn nhớ “nhìn mới thấy chiếc phi cơ A37 thu lượm được của địch để dùng huấn luyện bay ở Đà Nẵng đúng là "5 cha, 3 mẹ”".

Chiều 22/4/1975, tất cả cả cán bộ, phi công, thợ máy của phi đội 4 đã có mặt tại sân bay Đà Nẵng, nhanh chóng ổn định do Thượng úy Nguyễn Văn Lục làm đại đội trưởng, Thượng úy Trần Cao Thăng làm chính trị viên, Thượng úy Từ Đễ làm đại đội phó.

Toàn tài, đẹp trai

Theo ông Từ Đễ, trong đội hình Phi đội Quyết Thắng, nếu ông giỏi về bay đêm, bay trong mây, dẫn đường chính xác ở độ cao thấp mà không cần radar dẫn bay thì ông Nguyễn Văn Lục lại là phi công bắn súng canon rất giỏi, từng bắn gục 2 máy bay không người lái của Mỹ - loại mục tiêu bay khó nhằn nhất vì chỉ nguyên việc phát hiện ra nó đã là một kì công.

“Ông Lục từng bắn hạ 1 máy bay A7 của hải quân Mỹ –- một thành tích đáng nể vì MiG 17 vốn tụt hậu một thế hệ so với máy bay A7, bắn súng mà hạ máy bay Mỹ càng chứng tỏ trình độ thiện xạ của ông. Tất nhiên là so với thế hệ chúng tôi, chứ không thể so với các bậc tiền bối bắn rơi 6,7 chiếc ngày trước được ”- ông Từ Đễ kể.

{keywords}
Máy bay A37 dùng bay trong trận đánh bom Tân Sơn Nhất là máy bay được các nhân viên kỹ thuật hàng không sửa chữa, chế lại. Ảnh: Lê Anh Dũng

Trong khi đó, ông Hán Văn Quảng (trung đội trưởng) là một phi công chiến đấu lão luyện, trông mặt mũi hiền lành nhưng có tài ném bom các kiểu từ bổ nhào, bay bằng rồi bay cực thấp trên biển - một kiểu ném bom cực khó, đầy nguy hiểm mà lại chỉ ước lượng bằng mắt, không có máy ngắm chuyên dùng.

“Bây giờ thời đại tự động hóa cao đến nỗi dẫn đến bệnh lý “tự động hóa” trong đội ngũ lái máy bay, điều này có thể dẫn đến tai nạn. Nên bác càng tự hào về ông Lục, ông Quảng có thể chiến đấu thô sơ và du kích chỉ bằng cảm quan. Họ lại toàn là giáo viên bay cự phách nữa chứ” - ông Từ Đễ thán phục những đồng đội trong đội hình Quyết Thắng.

Một thành viên trong phi đội là trung úy không quân Sài Gòn Nguyễn Thành Trung trước đó từng lái máy bay F5E của địch, bất ngờ chọn thời cơ thuận lợi, ném bom dinh Tổng thống Sài Gòn rồi bay về hạ cánh an toàn xuống vùng giải phóng ở sân bay Phước Long. Ông Trung được Tư lệnh, Tướng Văn Tiến Dũng đưa ra Đà Nẵng ghép vào phi đội để dẫn đường cho phi công ta.

“"Cái lão này đã đẹp trai lại thiệt tài. Sân bay Phước Long ngắn vậy mà cũng đáp được, lại còn khoe ảnh có râu rất đàn anh nữa chứ. Mà để râu trong không quân vốn bị cấm trong tất cả các nước nhưng chắc học theo phi công nổi tiếng nhất Mỹ là đại tá Robin Old phi công từ thời Chiến tranh Thế giới 2 - người đã tổ chức thành công chiến dịch Bolo chống MiG đầu năm 1967. Mãi tới bây giờ các bác về hưu mới dám để râu nhưng ôi thôi, bạc hết mất rồi" - ông Từ Đễ hóm hỉnh.

Trong đội hình còn có hai phi công Trần Ngọc Sanh và Nguyễn Văn On vốn là 2 trung úy ra trình diện tại Đà Nẵng và được lựa chọn giúp đỡ các phi công miền Bắc sử dụng máy bay.

Hai ông đều được đào tạo ở Mỹ và có kinh nghiệm sử dụng máy bay A37.

{keywords}
Phi công Từ Đễ ngoài cùng bên trái cùng đồng đội trong trận đánh Tân Sơn Nhất

“Các ông đều tích cực giúp các bác tìm hiểu và khai thác máy bay. Nếu máy bay có nhiều thì các bác sẽ xếp các ông này cùng tham gia ném bom vào Tân Sơn Nhất, nhưng rất tiếc cơ hội chỉ dành cho ông On. Bác cũng ấn tượng với hai ông này. Nếu ông On trông "Hai Lúa"“ bao nhiêu thì ông Sanh lại lạnh lùng và tri thức bấy nhiêu. Nói chung các phi công hai bên VN hồi đó đều đẹp trai kiểu đàn ông đích thực cả” -– ông Từ Đễ cười vang khi nhớ lại kỷ niệm với đồng đội.

Bay chuyển loại nhanh kiểu “Thần Phong”

Luyện bay chuyển loại là điều kiện tiên quyết để đảm bảo thành công cho trận đánh. Theo ông Từ Đễ, thời gian huấn luyện bay cực ngắn của phi đội có thể so sánh với cách huấn luyện những phi công “Thần Phong” Nhật Bản trong giai đoạn kết thúc chiến tranh Thái Bình Dương. 

Những phi công Thần Phong được huấn luyện để lái máy bay chở đầy bom, thủy lôi và bình đựng xăng đâm vào tàu địch. Các cuộc tấn công cảm tử của  phi công Thần Phong Nhật được thế giới kính trọng. Để chuẩn bị cho những chuyến bay này, họ chỉ có 9 ngày huấn luyện.

Ông Từ Đễ cho hay, có 5 ngày chuẩn bị nhưng thực tế phi đội chỉ có 3 ngày tập bay ở Đà Nẵng với 1 máy bay duy nhất. Mỗi ngày chỉ lên được 5 lượt, tức mỗi người 1 lượt.

“Sát ngày ra trận, do phi công Nguyễn Thành Trung được đưa ra Đà Nẵng để ghép vào đội hình, các bác lại phải “nhường ghế, sẻ xăng” để ông Sanh kèm chú Trung bay hồi phục kĩ thuật. Ngay bác cũng chỉ dám bay có 2 chuyến thử kết hợp huấn luyện và tham gia chiến đấu ngay”, ông kể. 

Để luyện bay, nhóm nhân viên kỹ thuật của Sài Gòn có 17 người, cùng nhóm thợ máy, kỹ thuật không quân Hà Nội dốc sức cùng nhau sửa chữa, lắp ráp máy móc dồn ghép thành một chiếc A37 để huấn luyện ở Đà Nẵng.

{keywords}
Chiếc máy bay "5 cha, 3 mẹ" của phi công Từ Đễ.

Một nhóm khác lại tập trung ở Phù Cát, Bình Định để phục hồi 8 máy bay A37 thu được. Họ là những nhân viên kĩ thuật được đào tạo cơ bản ở Mỹ, 6 tháng lại sang Mỹ tu nghiệp một tuần.

“Ngoài kỹ thuật, họ còn có kỉ luật nghiệp vụ cao, nên việc hồi phục được 5 máy bay là một chuyện đáng nể dành cho các anh em thợ máy cả hai bên.” – ông Từ Đễ cho hay.  

Nhớ lại lúc luyện bay chuyển loại, ông vẫn nhớ “nhìn mới thấy chiếc phi cơ A37 thu lượm được của địch để dùng huấn luyện bay ở Đà Nẵng đúng là  "5 cha, 3 mẹ"”.

“"Bác được phân công bay thử máy bay này. Bác nghĩ là máy bay Mỹ cấu trúc model, các công tắc tích hợp cao cùng với lối tư duy dành cho khách- phi công sự tối giản, mọi việc phức tạp nhà sản xuất lo nên bác  dám cược với chuyến bay thử này. Chưa một lần bay, bác có thể để cho hai anh phi công Sanh và On bay thử trước rồi bay sau. Nhưng với lòng tự trọng và danh dự của phi công miền Bắc, bác phải thể hiện trình độ bay giỏi của mình, bèn vời ông Trần Ngọc Sanh ngồi “bên phải”.

Mở máy lăn ra đỗ trên đường  băng, bác nhìn anh Sanh và giơ ngón tay cái lên. Anh Sanh gật đầu và OK, cất cánh! Bác tăng ga hai động cơ lên đều, kiểm tra thông số các hệ thống và nhả phanh chân. Máy bay chúi đầu xuống rồi bật lên chạy nhanh và chỉ cần kéo cần lái máy bay dã bốc đầu lên, động cơ được mở tấm che ngăn đá sỏi tăng lực đẩy và  máy bay rời đất.

Không có gì lạ lẫm cả và cái quan trọng nhất mà mình muốn đã  tìm ra được là cảm giác bay trên máy bay mới! 

Di chuyển vào Phan Rang

Trưa 27/4/1975, cả phi đội cơ động từ Đà Nẵng vào sân bay Phù Cát. Riêng Nguyễn Thành Trung và Hoàng Mai Vượng lái một chiếc A37 vốn có sẵn tại Đà Nẵng mang vào Phù Cát, số còn lại cơ động bằng máy bay vận tải AN-24 do phi công Tiêu “bạc” cầm lái.

{keywords}

Tư lệnh phòng không không quân Lê Văn Tri (đứng) là người chỉ huy trực tiếp trận đánh Tân Sơn Nhất của phi đội Quyết Thắng. Ảnh tư liệu

“Xuống máy bay anh em lại bước vào kiểm tra 8 máy bay A37 đã được phục hồi nằm trên sân. Sau đó tất cả phải vào ngay Sở chỉ huy nhận nhiệm vụ, còn việc bay thử tin tưởng giao cho hai anh Sanh và On mỗi người bay 4 chiếc. Lúc đó các anh phi công Sài Gòn ấy đã thực sự tin phục chúng tôi, toàn tâm toàn ý giúp đỡ cho phi đội thì chúng tôi cũng phải tin họ chứ” - – ông Từ Đễ kể.

Lúc đó, Trần Cao Thăng, chính trị viên phi đội còn tâm sự "cũng lo nhỡ hai anh bay mất vào Sài Gòn thì tôi chết". Nhưng mọi việc đâu vào đó. Các anh  mới  bay thử có 5 chiếc thì trời đã tối. Tuy vậy cùng đã chọn ra được 4 chiếc tốt cộng với 1 chiếc chuyển từ Đà Nẵng vào thành 5 chiếc. Tôi phải “nhịn” ngồi nhìn các anh em bay đi đánh ngày mai”

Các máy bay tốt được lắp 4 thùng dầu phụ, kéo sơ tán trong các ụ thép. Ông Huynh, chuẩn úy trưởng tiểu ban tác chiến sân bay Phù Cát hồi ấy còn kể lại với ông Từ Đễ: “Có một mình mà tôi phải tự lái xe đi tuần suốt đêm quanh các ụ chứa máy bay, rồi lại đi kiểm tra Sở chỉ huy tiền phương nơi các sĩ quan còn chúi đầu quanh ngọn đèn dầu, có gì xảy ra thì tôi ra tòa án binh là cái chắc. Cả quân chủng  tập trung cho trận này. Cầu trời không có chuỵện gì xảy ra.”

Tối hôm 27/4 chi bộ họp quán triệt nhiệm vụ cho các đảng viên (riêng anh Nguyễn Thành Trung không tham gia vì không phải đảng viên) và sau đó anh em đi ngủ.

“Thật ra cả đêm ấy một phần do nóng vì nằm trong nhà hầm không điện, phần lo lắng cho ngày mai nên chẳng ai chợp mắt.

Rồi sáng 28/4/1975, tại sân bay Phù Cát, lúc 8h, tư lệnh Quân chủng chính thức phê chuẩn kế hoạch cho phi đội tham gia trận đánh. Danh sách phi công gồm Nguyễn Thành Trung (bay số 1 dẫn đường), Từ Đễ (phó chỉ huy, số 2), Nguyễn Văn Lục (chỉ huy trên không, bay số 3), Hoàng Mai Vượng cùng Trần Văn On (bay số 4) và Hán Văn Quảng (bay số 5).

Các phi công ra nhận máy bay và chuyển sân đi Phan Rang. "Cô thắc mắc sao ông Lục chỉ huy mà lại đi số 3 hả? Ông chọn vị trí nào dễ quan sát và chỉ huy phi đội thuận nhất", ông Từ Để giải thích.

Suốt thời gian trước trận đánh, mọi chuẩn bị diễn ra trong bí mật, không có bất cứ lực lượng chiến đấu nào được biết kế hoạch đánh sân bay Tân Sơn Nhất của không quân ta vào buổi chiều ngày 28/4 năm ấy.

Ở trung tâm đầu não, tất cả nín thở chờ giờ cất cánh điểm.

Xuân Linh

Bài sau: Đòn“biểu diễn” trên đầu Bộ tư lệnh Không quân Sài Gòn