Chiều 22/5, Lễ công bố và phát động cuộc thi phim ngắn Vietnamese do báo Thanh Niên phối hợp các đơn vị tổ chức diễn ra tại Trường Đại học Hoa Sen, TP.HCM. 

04 sv.jpg
Các khách mời chia sẻ trong buổi phát động cuộc thi. 

Trong khuôn khổ sự kiện, Tọa đàm Xu hướng làm phim ngắn - Cơ hội cho người trẻ đam mê sáng tạo được tổ chức với sự góp mặt của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhà sản xuất Hoàng Thanh Huyền (sản xuất các phim Tiệc trăng máu, Cô hầu gái, Chàng vợ của em...) và TS.Trần Bá Dung - Trưởng khoa Marketing - Truyền thông Trường Đại học Hoa Sen. 

Các đại biểu cùng trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về thị trường phim ảnh trong nước, qua đó có những góp ý tích cực về lĩnh vực phim ngắn, bao gồm thuận lợi, khó khăn và thách thức với những nhà làm phim trẻ. 

Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, tâm lý làm phim của anh trong những ngày đầu và lúc này có nhiều sự khác biệt. Nếu lúc trước, đạo diễn làm phim vô tư, hồn nhiên, không biết sợ hãi là gì thì nay, anh cảm nhận độ khó tăng dần, bao gồm áp lực về danh tiếng, làm sao để vượt qua chính mình và có tác phẩm tốt. 

01 sv.jpg
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ nhiều kinh nghiệm làm phim. 

Với nam đạo diễn, quá trình tạo nên một bộ phim hay cần có 3 bước cơ bản. Đầu tiên là bản thân người sáng tạo phải tự thấy câu chuyện của mình hay, đề tài khơi gợi được cảm xúc cá nhân mà họ dành cho tác phẩm và nhân vật. Bước kế tiếp là làm sao truyền tải được trọn vẹn nội dung muốn đề cập. Cuối cùng là khi sản phẩm thành hình phải tạo được sự đồng cảm với khán giả. 

Đạo diễn nhận định người sáng tạo nghệ thuật hay mắc tâm lý chủ quan, đôi khi nghĩ phim mình hay nhưng chưa chắc đúng. Do đó, nhà làm phim cứ thoải mái chia sẻ ý kiến với mọi người xung quanh về tác phẩm, từ đó lắng nghe được những nhận định mang tính đa chiều, kể cả phản biện. 

Nguyễn Quang Dũng chia sẻ trong sự kiện 

Ở góc độ cá nhân, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhận định phim Việt dù thời gian qua phát triển nhưng vẫn thua kém Hàn Quốc, Thái Lan. Điểm chung ở tác phẩm thành công của nước bạn là đều có tính bản sắc, phản ánh rõ đời sống, văn hóa bản địa. 

"Còn phim thị trường Việt Nam hiện nay khi xem vẫn thấy thấp thoáng bóng dáng của một bộ phim nào đó. Bản sắc là điều quan trọng nhất và thế hệ chúng tôi chưa làm rõ. Tôi mong các bạn ý thức điều này hơn. Những nghệ sĩ trẻ cần hiểu được chính mình để mang nét riêng, bản sắc giúp phim Việt vươn ra thế giới", anh chia sẻ. 

batch_ddz5465594468151_ae46539409c5d549d4896b8b2e491322.jpg
Nhà sản xuất Hoàng Thanh Huyền nhận định thị trường điện ảnh Việt còn nhiều bất cập nhưng cũng đầy triển vọng. 

Trong khi đó, nhà sản xuất Hoàng Thanh Huyền nhận định khó khăn của thị trường phim ảnh nước ta hiện nay là vấn đề nhân lực, còn thuận lợi là sức trẻ. Cuộc thi Vietnamese là cơ hội cung cấp cho nền điện ảnh Việt Nam nguồn nhân lực có chất lượng, từ đó nâng tầm điện ảnh Việt trong khu vực và thế giới. 

Cuộc thi phim ngắn Vietnamese nhằm tạo ra một sân chơi uy tín, chất lượng để kết nối các nhà làm phim trẻ, những nhà sáng tạo nội dung, biên kịch mới... cũng như tìm kiếm tài năng điện ảnh trẻ. Đồng thời, hỗ trợ giới thiệu các tác phẩm phim ngắn xuất sắc đến công chúng, tạo điều kiện nuôi dưỡng niềm đam mê điện ảnh sáng tạo ở người trẻ.

Hội đồng thẩm định của cuộc thi gồm: Đạo diễn - nhà sản xuất Nguyễn Quang Dũng, Lý Hải cùng diễn viên - nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp.

Tiêu chí cuộc thi là thí sinh từ 15 - 40 tuổi, đang học tập, làm việc, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Người tham gia có thể khai thác tất cả các chủ đề được Luật Điện ảnh cho phép, liên quan đến đất nước và con người Việt; được sử dụng các tác phẩm do mình thực hiện (với vai trò đạo diễn hoặc biên kịch) trong vòng 3 năm trở lại đây. Đặc biệt, thí sinh được tận dụng các phần mềm AI trong quá trình tạo ra tác phẩm.

Giải thưởng dành cho phim ngắn và giải dành cho cá nhân có tổng giá trị gần 150 triệu đồng. 

Cuộc thi nhận tác phẩm tham gia từ ngày 22/5 đến hết ngày 22/6. Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới tại TP.HCM.