Phố Hàn quận 7 xơ xác sau Covid-19
Nhà phố bị trả mặt bằng hàng loạt, không có khách thuê mới trong nhiều tháng nay khiến phố Hàn Quốc tại khu Phú Mỹ Hưng, quận 7, TP.HCM lâm cảnh vắng vẻ, đìu hiu.
|
Trong khoảng 6 tháng trở lại đây, những con phố Hàn Quốc sôi động ở khu Phú Mỹ Hưng, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM ghi nhận tình trạng trả mặt bằng hàng loạt do hoạt động kinh doanh của khách thuê bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. |
|
Không khó để thấy cảnh những mặt bằng bỏ trống lâu ngày với những biển quảng cáo rao thuê dán chằng chịt. Bên ngoài nhiều mặt bằng không có người dọn dẹp, thậm chí nhiều cửa hàng kinh doanh lân cận còn xếp bàn ghế tràn qua. |
|
Các dịch vụ ăn uống, làm đẹp, thời trang... ở khu vực này chủ yếu hướng đến nhóm khách Hàn Quốc có số lượng người sinh sống, làm việc và du lịch đông đúc. Một cửa hàng cafe với biển hiệu hoàn toàn bằng tiếng Hàn đã đóng cửa lâu ngày, trong khi các tờ rơi rao thuê của môi giới được xé bỏ và thay thế lẫn nhau tạo nên một khung cảnh xác xơ, tiêu điều. |
|
Trước dịch, mặt bằng tại khu vực này từng được các chủ kinh doanh săn đón vì tập trung nhiều khách cao cấp, có mức tiêu dùng cao. Thông thường, để có thể mở cửa hàng kinh doanh tại đây, khách thuê phải đặt trước 1-2 tháng mới có thể tìm được mặt bằng. Tuy nhiên, hiện nay đi khoảng 100 m trên một số tuyến phố có thể thấy 2-3 mặt bằng bỏ trống đang tìm khách thuê. |
|
Khác với cảnh đông đúc thường khi, những con phố Hàn Quốc từ Tết đến nay vắng lặng khác thường. Nhiều khách thuê do không duy trì nổi chi phí mặt bằng quá cao nên buộc phải trả mặt bằng sớm hơn thời hạn, thanh lý hợp đồng. Giá thuê thấp nhất trong khu vực này là khoảng 2.000 USD/tháng, nhiều mặt bằng đẹp và diện tích lớn có thể lên đến 15.000 USD/tháng. |
|
Một mặt bằng 3 mặt tiền với 1 tầng hầm, 4 tầng nổi trước đây từng được chủ cũ kinh doanh khách sạn quy mô hơn 30 phòng nghỉ đang được rao thuê với giá 11.000 USD/tháng. Tuy nhiên, hơn 6 tháng nay mặt bằng này vẫn chưa tìm được khách thuê mới và luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. Các tờ rơi rao thuê được thay liên tục và không có người dọn dẹp. |
|
Anh Trần Hưng, nhân viên môi giới của mặt bằng có diện tích lớn này cho biết từ trước và sau dịch, giá thuê của mặt bằng này vẫn không đổi vì không có khách trả giá. Nhiều người chỉ đến xem qua rồi đi chứ không thật sự có thiện chí thuê. |
|
Trong khi nhiều cửa hàng F&B đã phải trả mặt bằng thì nhiều nhà hàng vẫn đang duy trì kinh doanh trong tình trạng "cầm cố" với lượng khách hàng thưa thớt sau dịch bệnh. |
|
Một nhà hàng thiết kế theo phong cách Hàn Quốc hoàn toàn không có khách trong giờ tan tầm. |
|
Tình trạng xuống cấp bên trong một mặt bằng bỏ trống lâu ngày. |
|
Từ thời điểm Tết Nguyên Đán, nhiều nhóm người nước ngoài như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... sinh sống và du lịch tại đây đã nhanh chóng quay trở về nước trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Chỉ còn một số lượng ít những người vẫn đang làm việc tại Việt Nam còn ở lại, trong khi những người này cũng ít có nhu cầu đến tụ tập, sử dụng dịch vụ tại những nơi đông đúc. |
|
Không ít chủ nhà đã chấp nhận giảm giá hoặc sẵn sàng đồng ý với những điều kiện thuê linh động hơn để nhanh chóng tìm được khách thuê mới. Tuy nhiên nhiều hộ kinh doanh cho biết hoạt động buôn bán rất khó có thể sôi động như trước nếu chưa có lệnh mở cửa cho người nước ngoài quay trở lại Việt Nam. |
(Theo Zing)