Sáng 4/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với các bộ, ngành, đại diện hiệp hội, chuyên gia, nhà quản lý về dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nghị định mới về đăng kiểm sẽ điều chỉnh những vấn đề nóng đang được dư luận xã hội hết sức quan tâm.

Do vậy, phải giải quyết, khắc phục được những bất ổn hiện nay với sự tham gia của các chủ thể liên quan để hoạt động đăng kiểm trở lại bình thường; thực hiện đầy đủ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước là cung cấp dịch vụ công cho người dân.

Ông Nguyễn Chiến Thắng, Cục trưởng Cục Đăng Kiểm Việt Nam cho biết, dự thảo sửa đổi quy định để các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, các đơn vị vận tải có thể tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Cho phép huy động các lực lượng đăng kiểm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định xe cơ giới dân sự trong trường hợp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân.

Điều chỉnh giảm số lượng nhân sự tối thiểu trong mỗi dây chuyền; Điều chỉnh giảm thời gian thực tập nghiệp vụ đối với đăng kiểm viên.

Lực lượng đăng kiểm viên công an tăng cường cho các trung tâm đăng kiểm dân sự 

Đặc biệt, dự thảo nghị định cũng bỏ quy định khống chế số lượng xe kiểm định tối đa trong ngày nhằm nâng cao năng suất lao động.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, dự thảo nghị định thiết kế theo hướng tách bạch cung cấp dịch vụ đăng kiểm và quản lý Nhà nước; đẩy mạnh phân cấp cho địa phương.

Theo đó, dự thảo nghị định quy định các Sở GTVT chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra hoạt động đăng kiểm tại địa phương. Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm kiểm tra chuyên ngành trên phạm vi cả nước. Tăng trách nhiệm đơn vị đăng kiểm và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm. Tăng chế tài xử lý vi phạm của đơn vị đăng kiểm và đăng kiểm viên.

Thượng tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, đề nghị bổ sung quy định về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ; có tiêu chí rõ ràng đối với cán bộ quản lý trung tâm đăng kiểm; kết nối, chia sẻ dữ liệu đăng kiểm với cơ quan công an để phục vụ công tác tuần tra, xử lý các phương tiện giao thông vi phạm.

Kết luận buổi họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nghị định mới về đăng kiểm sẽ phải "giải quyết được những tồn tại, yếu kém, khó khăn, vướng mắc thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng, độ an toàn của phương tiện vận tải tham gia giao thông".

Cụ thể, nghị định mới cần tách bạch chức năng cơ quan quản lý Nhà nước và đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm, đẩy mạnh phân cấp quản lý theo hướng Bộ GTVT quy định tiêu chí, điều kiện về tổ chức bộ máy, trang thiết bị, quy trình đăng kiểm, để địa phương có căn cứ thực hiện; tăng cường năng lực thanh tra, kiểm tra các đơn vị đăng kiểm, kiểm chuẩn thiết bị kiểm định… với sự tham gia của các sở khoa học và công nghệ.

Nhấn mạnh yêu cầu liên thông của hệ thống đăng kiểm, Phó Thủ tướng cho rằng, cần bảo đảm sự quản lý thống nhất của Bộ GTVT trong lĩnh vực đăng kiểm bằng các chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện chung.

Từ đó, các đơn vị đăng kiểm của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, trong trường hợp được phép, có thể tham gia thực hiện công tác đăng kiểm dân sự thay vì chỉ hỗ trợ trong tình huống cấp bách.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT xem xét, nghiên cứu phương án cho phép các cơ sở bảo dưỡng ô tô 3S của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và xuất, nhập khẩu ô tô ở trong nước tham gia kiểm định.