Thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi
Tại hội thảo đánh giá giữa kỳ kết quả thực hiện chương trình phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021 - 2025 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa tổ chức hôm nay, 28/7.
Theo thông tin của Bộ Công an, trong năm 2022, toàn quốc phát hiện, điều tra 90 vụ mua bán người, với 247 đối tượng, lừa bán 222 nạn nhân (trong đó, mua bán ra nước ngoài chiếm 54%) và 8 vụ, 21 đối tượng với các hành vi có liên quan.
Trong 6 tháng đầu năm nay, toàn quốc tiếp tục phát hiện, điều tra 88 vụ, với 229 đối tượng phạm tội mua bán người theo các tội danh được quy định tại điều 150, điều 151 bộ luật Hình sự, xác định được 224 nạn nhân bị mua bán (trong đó, mua bán ra nước ngoài chiếm 55%).
Thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi. Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội như (Zalo, Viber, Facebook…), sử dụng tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, hứa hẹn tìm việc làm với thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài... Sau đó, lừa bán nạn nhân ra nước ngoài, ép làm mại dâm, làm vợ bất hợp pháp; cưỡng bức lao động hoặc lừa bán nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại quán karaoke, cắt tóc, massage.
Tình hình mua bán người trên các tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, Việt Nam-Lào, nhất là sau đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng.
Nếu như trước đây, nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, thì hiện nay các nam thanh niên bị mua bán ngày càng nhiều.
Tội phạm mua bán người thường hoạt động dưới các băng đảng thông qua các mối quan hệ phức tạp ở nhiều quốc gia. Đối tượng cầm đầu đường dây, tổ chức thường ở nước ngoài gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, điều tra và xử lý.
Địa bàn mua bán người cũng thay đổi, có xu hướng chuyển từ phía Bắc vào miền Trung và miền Nam. Thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, đối tượng cầm đầu đường dây, tổ chức thường ở nước ngoài, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, phòng chống.
Nỗ lực giải cứu, giúp nhiều người vượt qua mặc cảm có cuộc sống ổn định
Mặc dù vậy, công tác đấu tranh triệt phá các đường dây mua bán người của lực lượng chức năng và các địa phương thời gian qua đã giải cứu được nhiều nạn nhân. Việc phối hợp tiếp nhận, chuyển tuyến và hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán trở về đã giúp nhiều người vượt qua mặc cảm có cuộc sống ổn định.
Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện Phòng Phòng chống mua bán người, Cục phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bội biên phòng cho biết: Trong công tác hỗ trợ nạn nhân, thì chúng tôi trên cơ sở nguyện vọng để có những hỗ trợ ban đầu, đặc biệt là những trường hợp nạn nhân sau khi bị ép kết hôn trái pháp luật ở nước ngoài hoặc những trường hợp bị cưỡng bức lao động ở nước ngoài khi được giải cứu về thì người ta chỉ có yêu cầu là được về nhà để có sự yêu thương, tình cảm gia đình."
Bà Nguyễn Thùy Dương cho hay, Đảng, Nhà nước ta đã xác định phòng chống mua bán người là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đưa ra nhiều giải pháp nhằm ngăn ngừa loạt tội phạm này.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy thực thi tốt hơn nữa vấn đề này mà trực tiếp là Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030.
Nhìn chung, việc tổ chức triển khai thực hiện chương trình Phòng, chống mua bán người hợp phần hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, đến nay đã đạt nhiều kết quả tích cực, như: Hệ thống văn bản chính sách, pháp luật ngày càng hoàn thiện; công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức được tập trung triển khai; chú trọng tập huấn nâng cao năng lực; công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân được triển khai hiệu quả; và thúc đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.