Xoay sở qua đại dịch

Khách sạn Pan Pacific Hanoi vừa giới thiệu hộp quà Tết có giá lên tới gần 5 triệu đồng. Bộ quà Tết bao gồm rượu vang Pháp, trà, các loại bánh mứt và thêm nhiều món Tết hấp dẫn khác tùy theo mức giá.

Tương tự, Sheraton Saigon lần đầu ra mắt 2 sản phẩm bánh kẹo Tết sản xuất tại chỗ là bánh quy bơ hạt óc chó và chocolate hạt hỗn hợp. Bên cạnh hộp mứt, có thêm các món độc đáo khác như chà là kẹp cam sấy, nam việt quất sấy, nhân mắc ca và hạt điều vị tom yum.

Park Hyatt Saigon giới thiệu hộp quà có giá hơn 3,2 triệu đồng, gồm năm loại mứt (mơ, chà là, dừa, cam và nho đen), một hộp bánh quy trái cây, một hộp hạt điều sấy tẩm mật ong gừng và một chai rượu. Chương trình này đã kết thúc do đã bán hết số lượng hộp quà.

Trước đó, InterContinental Saigon cũng ra mắt hộp quà có giá trên 1,3 triệu đồng, bao gồm các loại hạt, bánh quy, sô cô la, mứt trái cây, một xấp phong bao lì xì thiết kế riêng.

{keywords}
Khách sạn 5 sao thay đổi tư duy, bán quà Tết

Ở mảng nhà hàng, khách sạn, từ thói quen chỉ bán ẩm thực, phục vụ khách hàng trực tiếp thì từ khi dịch bệnh xuất hiện, các khách sạn 5 sao bắt đầu thay đổi tư duy và đẩy mạnh bán hàng trực tuyến qua các nền tảng số nhiều hơn.

Để tồn tại trong mùa dịch, các khách sạn đã tìm mọi cách xoay sở. Đại diện khách sạn Rex cho hay, khách sạn đang kết hợp với sàn giao dịch thương mại điện tử chuyên về ẩm thực để có thể tiếp cận lượng lớn khách hàng tiềm năng trên nền tảng này.

Hè vừa qua, Sofitel Legend Metropole đã mở dịch vụ tiệc tại nhà cho khách hàng. Theo đó, đồ ăn được các đầu bếp chế biến giao tận nhà với thực đơn hạng sang như thăn bò Úc, cá hồi Na Uy, phô mai Pháp, hay gan ngỗng và các loại xúc xích cao cấp,...

Tương tự, JW Marriott cũng mở dịch vụ tại nhà kiểu mới, phục vụ bữa trưa và bữa tối; miễn phí giao hàng trong 5km, trên 5km thì phí ship 100.000 đồng với đơn tối thiểu từ 750.000 đồng.

Thậm chí, các khách sạn còn bán cả đồ ăn gắn với cuộc sống bình dân như cơm rang dưa bò, phở xào,... Pan Pacific Hà Nội, Melia còn ship đồ ăn thuần Việt như: bún chả, phở gà, cháo sườn, cơm rang dưa bò, phở xào, cơm gia đình... Nhiều suất đồ ăn có giá chỉ từ 25.000 đồng.

Doanh thu sụt giảm

Báo cáo thị trường quý IV/2021 của Savills cho thấy, phân khúc khách sạn và căn hộ dịch vụ vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.Tại Hà Nội, do giãn cách xã hội nới lỏng từ tháng 10, công suất phân khúc khách sạn trong quý IV đạt 27%. Phân khúc khách sạn 5 sao có công suất cao nhất với 31%, theo sau là khách sạn 4 sao đạt 24% và khách sạn 3 sao đạt 18%.

Giá thuê trung bình năm 2021 giảm 9%, xuống mức 1,68 triệu đồng/phòng/đêm, dẫn đầu là phân khúc khách sạn 5 sao với nguồn cầu ổn định từ khách doanh nhân và khách ở dài hạn.

Nguồn cung duy trì ở mức ổn định, trong đó, hơn một nửa số phòng đến từ 17 khách sạn 5 sao. Phân khúc này dự kiến dẫn dắt nguồn cung đến năm 2023, với 8 trên 13 dự án mới đi vào hoạt động. Thị trường chủ yếu nằm tại khu vực nội thành, chiếm 54% tổng nguồn cung.

Còn tại TP.HCM, công suất đạt 20%, giảm 36% theo quý nhưng ổn định theo năm do sự sụt giảm nhu cầu lưu trú từ các doanh nghiệp do chính sách “Ba tại chỗ”, “Một cung đường hai điểm đến” hết hiệu lực. Phân khúc 4 sao đạt công suất cao nhất với 28% nhờ giá phòng phải chăng, dịch vụ chất lượng, thu hút được khách công tác và chuyên gia quốc tế.

Giá phòng trung bình chứng kiến mức tăng 21% theo quý, lên gần 1,4 triệu đồng/phòng/đêm khi hoạt động du lịch bắt đầu nóng trở lại. Tuy nhiên, giá phòng đã giảm 5% theo năm do các khách sạn 5 sao giảm giá để phục vụ khách trong nước và khách sạn 3 sao cắt giảm dịch vụ ăn uống do thiếu lao động.

Nguồn cung khách sạn cách ly tăng 55% theo quý, lên 2.760 phòng từ 23 khách sạn do các đường bay quốc tế khôi phục vào tháng 10.

{keywords}
Khách sạn 5 sao ảnh hưởng bởi đại dịch 

Tại quý 4/2021, nguồn cung là 14.470 phòng đến từ 104 dự án, tăng 39% theo quý nhưng giảm 5% theo năm, sau khi 1.000 phòng từ 37 khách sạn mở cửa trở lại. Hạng 5 sao chiếm lĩnh nguồn cung với 47% thị phần, theo sau là 4 sao với 27% và 3 sao là 26%. Có 14 dự án tạm ngưng hoạt động; trong đó có 13 dự án đến từ hạng 3 sao do nhu cầu giảm đáng kể.

Đến năm 2025,16 dự án mới cung cấp 3.300 phòng được kỳ vọng gia nhập thị trường. Trong đó, phân khúc 5 sao có chín dự án và một số được vận hành bởi các thương hiệu vận hành quốc tế như Mandarin Oriental, Hilton, và The Ritz-Carlton.

Nhận định thị trường, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Savills, TP.HCM cho rằng, sự hồi phục của du lịch trong nước và quốc tế sẽ thổi luồng sinh khí mới vào thị trường khách sạn trong năm 2022. Các khách sạn cần nhanh chóng đổi mới để bắt kịp với những thay đổi trong thị hiếu của du khách sau đại dịch.

Theo báo cáo “Travel in 2021” của Visa, những du khách thuộc thế hệ Millennial và Gen Z sẽ dẫn dắt đà phục hồi du lịch vì sẵn sàng du lịch ngay khi dịch bệnh được kiểm soát hơn so với các thế hệ trước.

Duy Anh

Khách sạn xịn cũng xài lại đồ cũ, điều lo sợ nhất rồi cũng xảy ra

Khách sạn xịn cũng xài lại đồ cũ, điều lo sợ nhất rồi cũng xảy ra

Khách sạn cao cấp bài trí theo tông màu và thay đổi hàng năm nên đồ cũ vứt bỏ, năm sau không dùng lại của năm trước. Nhưng Giáng sinh này, rất có thể nhiều nhà hàng, khách sạn sẽ tận dụng, lôi đồ cũ ra trang hoàng.