Đang làm huấn luyện viên cá nhân (PT) tại một phòng gym khu vực Linh Đàm, anh Nguyễn Minh Đức phải nghỉ vì lệnh cách ly toàn xã hội. Để phù hợp với hoàn cảnh mới, anh Đức nhanh chóng trở thành huấn luyện viên online (PT online).

Với PT online, huấn luyện viên đưa ra chương trình luyện tập dựa trên hiện trạng cơ thể của người tập, sự điều chỉnh mức độ qua mỗi tuần. Mức giá mỗi buổi tập online giảm một nửa so với tập ở phòng tập nhưng cũng là một khoản thu nhập tốt ở thời điểm này.

Anh Đức cho hay, qua điện thoại giao tiếp với khách hàng nhưng anh vẫn đảm bảo các chương trình tập như giáo án riêng cho từng người, phương pháp tập, chế độ dinh dưỡng và có video clip gửi riêng cho khách. Thậm chí, nếu khách hàng không có dụng cụ gym ở nhà để tập, anh vẫn có chương trình phù hợp.

“Trước đây, làm huấn luyện viên online cũng có nhưng mình không hứng thú lắm, nay nó lại giúp mình có thêm thu nhập. Mỗi ngày, mình kiếm tiền triệu nhờ làm công việc này”, anh cho hay.

{keywords}
Đóng cửa, phòng gym online kiếm sống

Đang dạy yoga nhưng nay chuyển qua dạy online, chị Nguyễn Thị Nga (HLV ở phòng tập Bách Khoa) cho hay, công việc này giúp chị vừa kiếm thêm một khoản thu nhập vừa tranh thủ tập thêm cùng khách. Lớp của chị trước đó có hơn 20 người thì nay có tới 10 người đăng ký học online, nhờ vậy dù nghỉ ở phòng tập chị vẫn bận từ sáng tới tối.

Chị Nga chia nhỏ thành nhiều khung giờ, mỗi giờ chỉ 2 học viên học cùng. Chị sử dụng điện thoại di động kết nối video với học viên. Những học viên đã quen động tác thì chị tập cùng, còn những người mới chị hướng dẫn cụ thể qua điện thoại.

“Dạy qua điện thoại không thể chỉnh sửa hết lỗi của học viên nhưng cũng là cách để duy trì thói quen tốt tập thể dục. Mình mong sớm cho hết dịch để được dạy offline trở lại”, chị Nga cho hay.

Thực tế mô hình PT online đã được nhiều phòng gym và huấn luyện viên triển khai trước đó hướng tới đối tượng khách hàng ở xa, không có thời gian nhiều để đến phòng gym hay thường xuyên đi công tác.

Gói PT online hình thức tập luyện qua các phương tiện online như facebook, zalo, youtube mà không cần phải có sự hướng dẫn trực tiếp của PT. Tuỳ theo phòng tập, các khoá PT online có mức giá khác nhau từ 1,5 tới 3 triệu đồng/khoá 3 tháng.

Tuy nhiên, PT online chưa thực sự hấp dẫn người tập do một số hạn chế và các huấn luyện viên cũng không thích thú vì mức giá thấp. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, mô hình này lại đông khách trở lại, cứu cánh cho các phòng tập.

Theo anh Đức, tập online chỉ phù hợp với những khách hàng đã có kiến thức cơ bản về tập thể hình, như vậy các huấn luyện viên sẽ không mất nhiều thời gian sửa lỗi. Với những người mới tập, anh Đức khuyên nên ra ngoài phòng tập sẽ giúp bạn tiết kiệm tiền, thời gian, đồng thời kỹ thuật của bạn sẽ được cải thiện rõ ràng và chính xác hơn thay vì mơ hồ sửa lỗi qua online.

Không chỉ dạy online, nhiều huấn luyện viên cá nhân cũng có những cách thích ứng khác như làm bánh, đồ ăn thức uống chuyên biệt cho người tập gym. Anh Lưu Hải Hưng, một huấn luyện viên phòng tập ở Kim Giang, cho hay, mỗi ngày anh bán được hơn 20 túi bánh whey cho các học viên tập gym. “Mỗi túi bánh 90.000 đồng, mình lãi chục nghìn nhưng cũng là cách kiếm thu nhập lúc này”, anh cho hay.

Còn chị Ngô Thanh Thảo còn mở cả page kinh doanh chuyên nấu đồ ăn cho dân gym. Chị cho hay, nhiều người dân văn phòng hoặc không có thời gian nấu nướng mà đam mê gym. Chị lên thực đơn theo tuần cho khách hàng chọn combo, theo đó trung bình một tuần nếu ăn đủ 2 bữa trưa tối giá khoảng 500-700 nghìn đồng tuỳ vào thực đơn.

Theo chị Thảo, đồ ăn được nấu đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng cho dân tập gym. Nhiều khách hàng ở phòng tập đã đăng ký suất ăn dài hạn với chị, chính vì thế mỗi tháng chị có một khoản thu nhập ổn định khi phòng gym đóng cửa.

Có thể nói những mô hình dạy online hay kinh doanh đồ ăn cho dân gym là một trong những giải pháp thích ứng kịp thời của các phòng gym và huấn luyện viên cá nhân. Thay vì trông chờ vào sự hỗ trợ, họ đã tự ổn định cuộc sống, chờ hết dịch bệnh để có thể tiếp tục đam mê với nghề.

Bảo Anh