- Bệnh ung thư dạ dày tạm thời được đánh lui sau khi điều trị tích cực tại bệnh viện. Người bệnh cần đảm bảo các yếu tố sau để có cuộc sống kéo dài sau điều trị.
Bệnh ung thư nói chung cho đến nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Người mắc bệnh này coi như lĩnh án tử hình nhưng nếu phát hiện sớm, các bác sĩ có thể kiểm soát, làm chậm sự phát triển của các tế bào ung thư, qua đó giúp kéo dài tuổi thọ của người bệnh.
Tuy nhiên, việc các tế bào ung thư khi nào phát triển trở lại, đó là điều không ai có thể biết trước. Người ta chỉ có cách kiêng cữ hay luyện tập sao cho các tế bào ung thư chậm tái phát nhất có thể.
Hiện nay, có nhiều phương pháp để điều trị bệnh ung thư như hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, điều trị bằng hoóc môn... Nhưng những phương pháp này thường cho kết quả trước mắt. Nguy cơ tái phát, di căn rất khó tránh do chỉ giải quyết phần thể hiện bệnh ung thư (là u bướu) mà chưa chặn đứng triệt để sự phát sinh của bệnh tật nói chung và bệnh ung thư dạ dày nói riêng.
Tập luyện thể thao, nâng cao sức đề kháng
Hoạt động thể chất giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày. Đặc biệt, thể thao còn giúp ngăn ngừa ung thư tái phát.
Những bệnh nhân điều trị bằng hóa trị và xạ trị thì lại càng ít có thời gian luyện tập. Nhưng ngày càng có nhiều trung tâm y tế áp dụng các bài tập thể chất trong phác đồ chữa bệnh ung thư.
Tránh tăng cân
Bệnh nhân béo phì hoặc thừa cân khi phát hiện bị ung thư dạ dày ít có cơ hội được chữa khỏi, nhưng trường hợp bệnh nhân sụt cân cũng không có nghĩa là họ có khả năng khỏi bệnh cao hơn. Việc tăng cân trong hoặc sau điều trị (khoảng 10% cân nặng ban đầu) thường làm tăng nguy cơ ung thư tái phát.
Bỏ hút thuốc và hạn chế đồ uống có cồn
Nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, nguy cơ tử vong cao hơn đối với người hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc và nguy cơ tái phát sau khi người bệnh bỏ thuốc là không chắc chắn. Tuy nhiên, có nhiều lý do để khuyến khích việc bỏ thuốc lá vì không chỉ riêng ung thư, hút thuốc cũng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Tương tự với rượu bia, vẫn chưa có kết quả chính xác liên quan đến tỷ lệ tử vong và nguy cơ tái phát ung thư nhưng hạn chế bia rượu mỗi ngày cũng tốt hơn cho sức khỏe.
Chế độ ăn uống lành mạnh
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của chế độ ăn Địa Trung Hải (trái cây và rau quả, chất béo không bão hòa, cá, ngũ cốc nguyên hạt) đối với sức khỏe con người. Do đó, chế độ ăn uống giàu trái cây và rau quả, đồng thời giữ cân nặng khỏe mạnh cũng giúp giảm bớt nguy cơ tái phát bệnh ung thư dạ dày.
Bổ sung vitamin một cách cẩn thận
Vitamin C và E: Bệnh nhân hóa trị hoặc xạ trị thường được khuyên là nên tránh dùng vì sẽ gây ảnh hưởng đến kết quả điều trị. Nhưng một phân tích gần đây đã cho thấy vitamin C giúp giảm nguy cơ tử vong và tái phát bệnh. Tuy nhiên, hiện kết quả vẫn cần xác minh lại. Về phần vitamin E và vitamin tổng hợp, đến nay vẫn chưa có bằng chứng về lợi ích của chúng.
Vitamin D: Nhiều nghiên cứu cho thấy vitamin D giúp giảm tỉ lệ tử vong. Đặc biệt, nó giúp làm chắc khỏe xương và làm tăng mật độ xương. Bởi lẽ một số liệu pháp điều trị ung thư làm giảm mật độ xương ở người bệnh.
Giữ tâm lý thoải mái
Theo nhóm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học, yếu tố tâm lý đóng vai trò quan trọng để giúp bệnh nhân vượt qua bệnh tật. Nhiều bằng chứng khoa học cho thấy tâm lý, tinh thần ổn định là điều kiện tốt để tăng cao sức đề kháng của hệ miễn dịch chiến đấu với bệnh. Có thể gọi đây là chính khí theo y học phương Đông.
Hệ miễn dịch đủ mạnh sẽ chống trả thành công các nguyên nhân gây bệnh. Cuộc sống đầy lo âu, buồn phiền, giận dữ, mà nguyên nhân chính từ stress góp phần làm suy giảm hệ miễn dịch.
Theo các nhà nghiên cứu, không có thuốc nào chữa hết tâm trạng lo buồn mà bệnh nhân phải tự điều chỉnh lối sống mới giải quyết tận gốc, giúp tinh thần bình yên.
Thăm khám định kỳ
Người mắc bệnh ung thư phải định kỳ đi kiểm tra tình trạng sức khỏe của bản thân để sớm phát hiện ra sự tái phát hoặc di căn của ung thư.
Hầu hết các bác sĩ khuyên bệnh nhân theo dõi sức khỏe cẩn thận, khám thể chất và xem xét các triệu chứng 3-6 tháng/lần. Đồng thời cũng nên làm các xét nghiệm.
Những người đã từng phẫu thuật ung thư dạ dày, đặc biệt là nếu đã cắt bỏ phần trên của dạ dày (cắt dạ dày bán phần hoặc toàn phần), cần phải thường xuyên kiểm tra lượng vitamin trong máu và cần dùng chế phẩm bổ sung vitamin, bao gồm tiêm vitamin B12 (vitamin B12 dạng viên không hấp thu được nếu đã cắt bỏ phần trên của dạ dày).
Khuê Minh