- Chưa có quyết định công nhận trường chất lượng cao, vẫn được ngân sách nhà nước cấp kinh phí như trường công lập thường nhưng Trường THCS Thanh Xuân (Hà Nội) thu một lúc cả 2 loại học phí. Điều này khiến phụ huynh không khỏi bức xúc.
Phụ huynh học sinh phải đóng cả 2 loại học phí
Phụ huynh Trường THCS Thanh Xuân (Hà Nội) vô cùng bất ngờ khi nhận tờ thông báo từ nhà trường với nội dung các khoản thu lên tới hơn 8 triệu đồng, truy thu từ tháng 8 đến tháng 11/2018.
Theo thông báo của nhà trường, ngoài tiền ăn bán trú, tiền chăm sóc bán trú, nước uống, quỹ Đoàn, Đội thì mỗi tháng học sinh phải đóng 2 loại học phí.
Trong đó, một loại học phí theo quy định chung của thành phố đối với các trường công lập là 155.000 đồng/tháng và một loại khác là học phí hệ chất lượng cao với 1.958.000 đồng/tháng. Riêng tháng 8, mức thu học phí hệ chất lượng cao chỉ là 979.000 đồng do chỉ thu học phí nửa tháng (do chưa chính thức vào năm học mới).
Nhận được thông báo này từ các con qua giáo viên chủ nhiệm, một số phụ huynh bức xúc đặt câu hỏi rằng dù biết trường có đề án hoạt động theo mô hình chất lượng cao nhưng hiện đề án đã được phê duyệt chưa mà đã thu “loại học phí chất lượng cao. Trong khi điều kiện học tập chất lượng không cao tương xứng khoản học phí phải đóng. Cụ thể là sĩ số học sinh đông, phòng ngủ bán trú chật chội, trường có bể bơi nhưng học sinh vẫn phải mua vé,…
Một số khác thắc mắc tại sao lại tồn tại song song 2 loại “học phí” trong cùng một nhà trường?
Nhiều phụ huynh cho rằng nếu công khai, minh bạch, trường phải thông báo mức học phí và lộ trình tăng học phí cho phụ huynh biết vào thời gian chuẩn bị tuyển sinh, thay vì đến tháng 11 mới công bố.
Về điều này, bà Ngô Diệp Lan, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân thừa nhận đến thời điểm này nhà trường chưa có quyết định công nhận là trường chất lượng cao và khoản thu như trên chỉ áp dụng trong lúc chờ có quyết định.
Theo bà Lan, căn cứ để nhà trường thu hơn 8,2 triệu đồng từ tháng 8 đến tháng 11 là dựa trên văn bản thỏa thuận với phụ huynh học sinh và văn bản phê duyệt của UBND Quận Thanh Xuân.
Cụ thể theo công văn do Phó chủ tịch UBND quận Thanh Xuân- bà Lê Mai Trang ký, UBND quận thống nhất về các khoản thu năm học 2018 - 2019 của Trường THCS Thanh Xuân.
Về 2 loại học phí, bà Lan lý giải, thực chất là một khoản là học phí theo quy định của thành phố, còn khoản tiền 1,958 triệu đồng là khoản thu cho chương trình chất lượng cao (gồm chương trình học nâng cao, tăng cường kỹ năng sống, câu lạc bộ năng khiếu với mức thu 1,158 triệu đồng/tháng/học sinh; mô hình liên kết với mức thu Toán tiếng Anh là 400.000 đồng/tháng/học sinh và Tiếng Anh bản ngữ là 400.00 đồng/tháng/học sinh).
Theo bà Lan, cam kết của 100% phụ huynh là căn cứ để nhà trường làm tờ trình lên UBND quận Thanh Xuân. Ngoài bản cam kết của phụ huynh, ngày 15/9 trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, trường cũng thông tin về lộ trình học phí để phụ huynh chuẩn bị chứ không phải thu đột ngột.
Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho rằng, trong thông báo tuyển sinh năm học mới, Trường THCS Thanh Xuân cũng không hề thông tin về dự kiến thu mà nội dung này chỉ được đưa ra vào cuộc họp phụ huynh ngày 15/9, tức là sau khi học sinh đã tựu trường được 1 tháng. Tức học sinh gần như “vào trường rồi mới biết”.
Về việc này, bà Lan cho hay, đề án đã nêu rõ “đăng công khai trên trang web của quận" nên nhà trường không thông báo trong thông tin tuyển sinh.
Điều này khiến phụ huynh khó hài lòng bởi nếu theo quy định về "3 công khai" thì các trường phải thông báo rõ mức học phí của năm học, lộ trình học phí cho phụ huynh trong thời gian tuyển sinh trên trang web của trường và niêm yết công khai tại nơi tiếp nhận hồ sơ tuyển sinh.
Trường THCS Thanh Xuân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. |
Điểm đáng nói có thể thấy UBND quận Thanh Xuân phê duyệt cho trường mức thu năm học 2018-2019 ở thời điểm chưa chính thức thực hiện lộ trình trường chất lượng cao.
Dù Trường THCS Thanh Xuân chưa được công nhận là trường chất lượng cao nhưng văn bản Phó chủ tịch UBND quận ký ngày 6/11/2018, thống nhất các khoản thu năm học 2018 - 2019 của trường lại dẫn quy định về cơ chế tài chính áp dụng đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao trên địa bàn của HĐND thành phố Hà Nội.
Đề án xây dựng trường không thể coi là căn cứ pháp lý để đưa ra các khoản thu khi chưa được phê duyệt bởi cơ quan có thẩm quyền. Việc cho phép thí điểm hay công nhận trường chất lượng cao không thuộc quyền hạn của UBND quận/huyện.
Theo Điều 4, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ về cơ chế thu, quản lý học phí tại các cơ sở giáo dục quốc dân: "Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chất lượng cao chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt và thực hiện quy chế công khai do Bộ GD-ĐT quy định".
Thanh Hùng
Trẻ em, học sinh diện phổ cập học ở cơ sở ngoài công lập được hỗ trợ đóng học phí
Dự thảo Luật Giáo dục (thảo luận chiều nay tại Quốc hội) bổ sung quy định không thu học phí trẻ 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập, hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập.
SV sư phạm được vay tiền sinh hoạt tối đa 3,5 triệu đồng/tháng ngoài học phí
Dự kiến theo Luật Giáo dục sửa đổi, sinh viên sư phạm sẽ vay tín dụng thay vì được miễn học phí như trước đây. Ngoài học phí, sinh viên được vay tiền sinh hoạt tối đa 3,5 triệu đồng/tháng.
Thêm đối tượng được miễn học phí
Trẻ em học lớp mẫu giáo 5 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn sẽ được miễn học phí từ năm học 2018-2019.