- “Cho con học trường Việt Nam thì em phải chấp nhận việc con phải dậy từ 6 giờ sáng để đến trường, áp lực bài vở, thời khóa biểu cực lớn. Chồng tôi khi nhìn các cháu con của em tôi đi học anh ấy đã sốc và tuyên bố, không để con học trường Việt".

LTS: Trong diễn đàn có nên rời Pháp về Việt Nam điều các phụ huynh quan tâm nhất là hệ thống giáo dục, y tế và môi trường. Chúng tôi xin đăng tải ý kiến của chị Đan Hà, một người Việt sống tại Pháp, về những trải nghiệm của chị khi sống tại Pháp và Việt Nam.

Chào VanLinh, tôi viết cho em bằng những trải nghiệm của chính tôi về cuộc sống ở Pháp và Việt Nam. Tôi cũng như em, là một phụ nữ Việt Nam lấy chồng Pháp, hiện sinh sống tại Pháp. Nhưng tôi khác em ở chỗ chúng tôi lấy nhau tại Việt Nam, chồng tôi sống và làm việc tại Việt Nam hơn mười năm và vì một số lý do liên quan đến công việc nên chúng tôi mới trở về Pháp được 2 năm nay.

Nếu quyết định về Việt Nam sinh sống, em sẽ được gần gũi cha mẹ, gia đình. Em sẽ đỡ vất vả hơn một chút trong công công việc chăm sóc gia đình bởi ở Việt Nam rất dễ để kiếm người giúp việc với mức chi phí chỉ từ 2 đến 300 euro/tháng. Em sẽ được ăn những món ăn yêu thích đúng khẩu vị.

Nhưng em sẽ phải đối diện với thách thức gì? Thứ nhất là việc học của con em. Nếu muốn con học trường Pháp hoặc các trường quốc tế thì em phải sinh sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang.

{keywords}
"Chồng tôi khi nhìn thấy lịch học của trẻ em Việt Nam thì anh ấy đã sốc và tuyên bố, không để con học trường Việt" (Ảnh minh họa, Lao động)

Học phí ở trường Pháp tại TP.HCM hiện tại vào khoảng gần 9000 euro/năm cho bậc tiểu học, bao gồm phí xe đưa đón, chưa bao gồm các môn học ngoại khóa. 

Nếu em định cho con học trường Việt Nam thì em phải chấp nhận việc con phải dậy từ 6 giờ sáng để đến trường, áp lực bài vở, thời khóa biểu rất lớn. Chồng tôi khi nhìn các cháu con của em tôi đi học thì anh ấy đã sốc và tuyên bố, không để con học trường Việt (không phải vì không tin ở chất lượng giáo dục mà không chấp nhận nổi đi học kiểu hành xác và phản khoa học như thế).

Thứ hai là về y tế, ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế có chất lượng cao cả về chuyên môn lẫn cơ sở hạ tầng, nhưng cũng như giáo dục, chỉ tập trung ở các thành phố lớn. Như vậy là dù em có thể mua bảo hiểm y tế tự nguyện của các công ty bảo hiểm hàng đầu nước ngoài thì để có thể hưởng chất lượng y tế tương đương bên Pháp cũng buộc em phải sống ở Hà Nội hoặc TP.HCM.

Nhưng sống ở Hà Nội và TP.HCM lại thêm một điều nữa khiến em băn khoăn, đó là tình trạng kẹt xe. Nếu ở TP.HCM, chọn chỗ ở gần trường cho con có nghĩa là em sống xa trung tâm, cần đi đâu sẽ bất tiện. Còn ở trung tâm thì hàng ngày con em sẽ phải ngồi xe buýt ít nhất 2 giờ cho cả đi lẫn về để đi học. Đó là một thực tế không dễ thích ứng với một người sống tại Pháp lâu năm như em.

Về nguồn thực phẩm cho gia đình: Em được ăn món ăn yêu thích hợp khẩu vị là điều dễ dàng rồi, nhưng nó có ATVS hay không lại là điều khác. Để mua được thực phẩm sạch, chất lượng đảm bảo như bên Pháp em dùng thì ngay cả là món ăn Việt Nam thì chắc chắn số tiền em phải bỏ ra sẽ cao hơn nhiều nếu so với giá em mua tại Pháp. 

Chưa kể về Việt Nam sống, chồng em đi làm, giao thiệp xã hội sẽ phát sinh những mối quan hệ không đơn thuần như ở Pháp. Nhịp sống ở Việt Nam tạo cho người đàn ông rất nhiều cám dỗ, dễ sa đà vào các cuộc vui bạn bè khiến cho thời gian dành cho vợ con gia đình bị giảm sút.

Sau hai năm sống ở Pháp, bản thân tôi thấy bên này dù có vất vả hơn một chút vì công việc nhà, chăm sóc con tôi phải tự làm nhưng tôi thấy bình an và nhẹ nhõm hơn. Con tôi xa ông bà ngoại và các cậu, mỗi năm chỉ được gặp gia đình bên ngoại một tháng nhưng bù lại lại gần ông bà nội và gia đình bên nội. Việc học hành, chăm sóc sức khỏe cũng đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều. 

Đương nhiên là người Việt tôi luôn yêu và muốn sống tại đất nước mình, nhưng nói thật lòng nếu để cân nhắc lựa chọn sống ở đâu thì có lẽ tôi sẽ chọn nước Pháp, ít nhất cho đến khi con tôi lớn, vào đại học, tự chăm sóc được cho bản thân mình.

Độc giả Đan Hà