{keywords}
Học sinh sử dụng điện thoại thông minh trên tàu điện ngầm ở Bắc Kinh.

Hai đứa con của anh Li Zhanguo – một đứa 4 tuổi, một đứa 8 tuổi  không có điện thoại thông minh riêng, nhưng giống như hàng triệu trẻ em Trung Quốc khác, chúng không xa lạ gì với game online.

“Nếu bọn trẻ được sử dụng điện thoại di động hay iPad của bố mẹ mà không bị giám sát, chúng có thể chơi game online tới 3-4 tiếng mỗi lần” – anh Li nói.

Nhưng tình trạng này sẽ không còn xảy ra nữa.

Giống như nhiều phụ huynh khác, anh Li rất vui khi biết quy định mới của chính phủ nhằm giới hạn thời gian chơi game online của trẻ em chỉ trong vòng 3 giờ/tuần, chia đều cho 3 buổi tối thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật và thời gian được chơi là từ 8 đến 9h tối.

Quy định bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng 9 nhằm thắt chặt hơn các quy định của năm 2019 – cấm trẻ em chơi game online qua đêm và được chơi trong 90 phút vào tất cả các ngày trong tuần.

Các chuyên gia cho biết, chưa rõ liệu quy định này có giúp ngăn chặn tình trạng nghiện game online hay không. Bởi vì, bọn trẻ có thể chuyển sang mải mê với mạng xã hội. Các chuyên gia cho rằng, việc nuôi dưỡng thói quen tốt và đặt giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử phụ thuộc vào cha mẹ.

Các quy định mới này là một phần của chiến dịch ngăn trẻ em dành quá nhiều thời gian cho các hình thức giải trí được đánh giá là không lành mạnh, trong đó có cả “văn hoá hâm mộ thần tượng mù quáng”.

Những giới hạn này cho thấy mối quan tâm ngày càng tăng của người lớn với chứng nghiện game ở trẻ em. Một tờ báo thậm chí còn gọi game online là “thuốc phiện tinh thần”, ám chỉ tới thời kỳ tình trạng nghiện ma tuý rất phổ biến ở Trung Quốc.

{keywords}
Học sinh chơi game online trên tàu điện ngầm ở Bắc Kinh.

Các báo cáo của chính phủ năm 2018 ước tính, cứ 10 trẻ vị thành niên thì có 1 người nghiện internet. Tình trạng này cũng dẫn đến sự xuất hiện của các trung tâm chẩn đoán và điều trị bệnh nghiện internet.

Theo các quy định mới, trách nhiệm đảm bảo trẻ em chỉ chơi game 3 giờ/tuần thuộc về các công ty game như NetEase và Tencent – các đơn vị sở hữu những game nổi tiếng được hàng chục triệu người chơi trên khắp đất nước.

Các công ty này phải thiết lập hệ thống đăng ký tên thật để ngăn người dùng trẻ em vượt quá giới hạn thời gian được phép chơi. Đồng thời, họ kết hợp kiểm tra nhận dạng khuôn mặt, yêu cầu người dùng xác nhận danh tính của mình.

Trong một số trường hợp, các công ty sẽ kiểm tra nhận dạng khuôn mặt khi người chơi đang chơi và họ sẽ bị “đuổi” khỏi trò chơi nếu không đúng.

Các nhà quản lý cũng yêu cầu các công ty game không đưa vào nội dung có hại cho trẻ em như bạo lực. Để giám sát việc này, chính quyền đã thiết lập một nền tảng cho phép mọi công dân đều có thể báo cáo, tố giác các công ty game mà họ cho rằng đang vi phạm quy chế.

Hiện không rõ liệu các công ty có bị xử phạt nếu không thực thi các quy định này hay không.

Mới đây, ByteDance - nhà phát triển TikTok và Douyin - cũng thông báo rằng người dùng dưới 14 tuổi ở Trung Quốc sẽ bị giới hạn chỉ được dùng 40 phút/ngày. Đối tượng này cũng sẽ không thể truy cập ứng dụng trong khoảng từ 10h tối đến 6h sáng.

{keywords}
Một đứa trẻ được mẹ cho sử dụng điện thoại khi ngồi trên tàu cao tốc.

Chị Liu Yanbin – mẹ của một bé gái 9 tuổi ở Thượng Hải chia sẻ: “Nhiều bậc cha mẹ cho rằng con họ bị điểm kém là do chơi game, nhưng tôi không đồng ý với quan điểm này. Khi trẻ con đã không muốn học, chúng sẽ tìm ra cách để chơi. Các game có thể bị giới hạn nhưng luôn có những video ngắn, mạng xã hội, thậm chí cả phim truyền hình”.

Theo ông Tao Ran, giám đốc một cơ sở chuyên điều trị chứng nghiện internet ở Bắc Kinh, có khoảng 20% trẻ em sẽ tìm ra cách đối phó những quy định này. “Một số đứa trẻ rất thông minh. Nếu bạn có một hệ thống để hạn chế chúng chơi game, chúng sẽ cố đánh bại hệ thống bằng cách mượn tài khoản của người thân lớn tuổi và tìm cách nhận diện khuôn mặt”.

Ông cho rằng, các quy định này chỉ là “phương sách cuối cùng”.

Các chuyên gia cũng cho biết, thay vì nhờ đến sự can thiệp của chính phủ, các bậc cha mẹ cần có trách nhiệm giới hạn thời gian dành cho game, mạng xã hội và internet nói chung của con.

Joel Billieux, Giáo sư tâm lý học tại ĐH Lausanne, Thuỵ Sĩ nêu ý kiến: “Cần tập trung vào phòng ngừa, ví dụ như thông báo cho cha mẹ về cách thức hoạt động của trò chơi, để họ có khả năng điều chỉnh sự tham gia của con cái tốt hơn”.

Li, ông bố 2 con, cho biết anh dự định sẽ cho con học piano vì cô bé tỏ ra hứng thú với nhạc cụ này. “Đôi khi do công việc, cha mẹ không có thời gian để chú ý đến con và đó là lý do tại sao nhiều đứa trẻ tìm đến game để giết thời gian. Cha mẹ phải là người sẵn sàng giúp trẻ trau dồi sở thích và đam mê để chúng có thể phát triển một cách lành mạnh”.

Đăng Dương (Theo AP)

Cho con trai 7 tuổi mượn điện thoại, bố phải bán ô tô trả nợ

Cho con trai 7 tuổi mượn điện thoại, bố phải bán ô tô trả nợ

Một ông bố buộc phải bán chiếc xe của mình sau khi phát hiện con trai đã chi gần 1.300 bảng Anh (khoảng 42 triệu đồng) để mua một trò chơi trên điện thoại di động.