Trước đây, chị Lại Thị Mai, tổ 6, phường Lê Hồng Phong (TP Phủ Lý) chỉ sử dụng điện thoại di động vào mục đích nghe gọi, thông tin, giải trí. Thế nhưng hiện nay, chị đã sử dụng thành thạo nhiều ứng dụng trên điện thoại thông minh để thanh toán tiền điện, nước, học phí cho các con. Cùng với đó, chị Mai còn cài đặt ứng dụng theo dõi nền nếp, lịch học của con ở trên lớp; chuyển khoản thanh toán mỗi khi đi mua sắm; quét mã QR Code truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Chị Mai chia sẻ: Tôi vốn không giỏi về công nghệ nên trước đây mọi khoản thanh toán tôi đều nộp trực tiếp. Rất may được các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng của tổ dân phố và phường Lê Hồng Phong kiên trì hướng dẫn, hỗ trợ, tôi đã mở tài khoản ngân hàng, cài đặt và sử dụng các dịch vụ số. Cuộc sống giờ đây đã trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Mỗi khi ra khỏi nhà, tôi không phải lo chuẩn bị đủ tiền mặt hay mang theo các loại giấy tờ như trước.
Thành phố Phủ Lý đã thành lập được 21 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và 143 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn, tổ dân phố với tổng số trên 1.000 thành viên. Đồng thời, thành lập gần 200 zalo cộng đồng với sự tham gia của khoảng 10.000 thành viên.
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND thành phố, thời gian qua, các tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn đã tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số (CĐS); hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cài đặt ứng dụng như: VNeID và hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử; VssID - Bảo hiểm xã hội số; thanh toán không dùng tiền mặt; kinh doanh trên sàn thương mại điện tử…
Dưới sự “cầm tay chỉ việc” của các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, đến nay, người dân trên địa bàn thành phố Phủ Lý không chỉ sử dụng thành thạo ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt mà còn có thể sử dụng điện thoại để thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến, nghe tư vấn sức khỏe từ xa.
Để đẩy nhanh tiến trình CĐS, bên cạnh việc thành lập và duy trì hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng, thành phố Phủ Lý còn đẩy mạnh triển khai các nhóm giải pháp để phát triển hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số, nhân lực số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Trong đó, nổi bật là thành phố đã hoàn thành và đưa vào khai thác hệ thống thông tin báo cáo phát triển kinh tế - xã hội nhằm xây dựng kho dữ liệu các thông tin về kinh tế - xã hội của thành phố.
Hằng tuần, các phòng, ban, ngành đều cập nhật dữ liệu vào hệ thống, từ đó lãnh đạo thành phố có thể sử dụng dữ liệu một cách kịp thời, góp phần nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Thành phố cũng đã vận hành nhịp nhàng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh theo hướng từng bước hoàn thiện. Năm 2023, thành phố đã đầu tư nâng cấp, mở rộng các tiện ích của trung tâm, nhất là việc mở rộng phạm vi trong công tác quản lý hệ thống giao thông, tình hình an ninh trật tự trên các trục đường chính và các nút giao; đồng thời khai trương, vận hành ứng dụng phản ánh hiện trường PhuLy – S, là một trong những phân hệ đặc biệt của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố.
Thời gian qua, thành phố còn triển khai sử dụng hiệu quả hệ thống quản lý nhà trường và điểm danh thông minh tại trường học; đưa vào sử dụng ứng dụng kết nối nhà trường và phụ huynh học sinh trong việc cung cấp các dịch vụ giáo dục; khảo sát sự hài lòng của người dân đối với các nhà trường bằng hình thức trực tuyến; triển khai camera giám sát tại các cổng trường; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, mô hình của Đề án 06…
Kết quả cụ thể, tính đến hết tháng 4/2024, thông qua Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, thành phố đã phát hiện trên 1.500 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt trên 1,9 tỷ đồng. Phần mềm phản ánh hiện trường PhuLy - S đã có 8.162 tài khoản đăng ký với 325 phản ánh, trong đó, thành phố đã xử lý 315 phản ánh. Đến nay, thành phố cũng đã tuyên truyền, cấp miễn phí trên 1.500 chữ ký số cá nhân cho người dân, doanh nghiệp để thực hiện các giao dịch dân sự trên Cổng dịch vụ công.
Năm học 2023-2024, thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đạt 99,7%; trên 80% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng; tỷ lệ dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử đạt 91%.
Hiện nay 100% tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã đã xây dựng nhóm zalo; 100% các cơ quan, ban, ngành xây dựng nhóm zalo thuận tiện cho điều hành và triển khai công việc. Ngoài ra, thành phố còn bảo đảm tiến độ thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử; hoàn thành phủ kín 100% căn cước công dân gắn chíp cho công dân đủ điều kiện trên toàn địa bàn; triển khai thực hiện 25/44 mô hình của Đề án 06 có tính thực tiễn, tính ứng dụng dữ liệu dân cư và định danh điện tử, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tiết kiệm chi phí và mang lại những tiện ích, giá trị to lớn phục vụ người dân và doanh nghiệp…
Trao đổi về kết quả thực hiện CĐS trên địa bàn, ông Phạm Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý cho biết: Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về CĐS, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch về CĐS trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu từng bước đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, phục vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội dựa trên công nghệ số; tạo dựng hệ sinh thái CĐS cho thành phố; đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, lấy người dân làm trung tâm để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế số và xã hội số của thành phố năm 2024 và đến năm 2030.
Giai đoạn 2024-2025, thành phố Phủ Lý đặt mục tiêu đẩy mạnh CĐS hướng tới thực hiện mục tiêu toàn diện theo Nghị quyết số 24-NQ/TU, ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy về CĐS tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, trọng tâm là phát triển chính quyền số, kinh tế số; gắn quá trình CĐS với cải cách hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của chính quyền các cấp nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh của thành phố để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thành phố đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Điều hành đô thị thông minh, phần mềm PhuLy -S; triển khai có hiệu quả các dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn, gồm xây dựng hệ thống chiếu sáng thông minh, truyền thanh thông minh, số hóa bản đồ du lịch và các điểm di tích, số hóa dữ liệu kết quả giải quyết thủ tục hành chính, quản lý hạ tầng đô thị thông minh, quản lý quy hoạch đô thị thông minh.
Thực hiện từng bước Đề án đô thị tăng trưởng xanh thông minh bền vững thành phố Phủ Lý đến năm 2030. Rà soát, nâng cao hiệu quả, tiện ích của hệ thống thông tin báo cáo phát triển kinh tế - xã hội phục vụ công tác quản lý điều hành của lãnh đạo và cơ quan quản lý nhà nước của thành phố. Xây dựng cơ sở dữ liệu cây xanh và hệ thống điện chiếu sáng đô thị thành phố Phủ Lý phục vụ quản lý tài sản trên nền hệ thống thông tin địa lý (GIS). Xây dựng các điểm phát sóng wifi công cộng trên địa bàn thành phố để phục vụ nhân dân và du khách. Tiếp tục thực hiện tốt các mô hình của Đề án 06.
Theo Nguyễn Oanh (Báo Hà Nam)