Trước phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua, bán người ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam đặc biệt quan tâm các giải pháp đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền gắn với tăng cường hoạt động tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng, kinh nghiệm phòng, chống mua, bán người trong cán bộ, hội viên phụ nữ.

Thực tế, tình trạng phụ nữ và trẻ em dễ sa vào cạm bẫy của tội phạm buôn người hầu hết bắt nguồn từ một số nguyên nhân như: do hạn chế về nhận thức trước những chiêu thức tinh vi của tội phạm mua, bán người; trẻ em, thanh thiếu niên thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình; ham lợi ích vật chất, thích “việc nhẹ lương cao”… Mặt khác, công tác thông tin, tuyên truyền tuy đã được quan tâm nhưng còn dàn trải, chưa thực sự hiệu quả cũng là một trong những nguyên nhân khiến một bộ phận phụ nữ, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua, bán người.

W-l3760775-1.jpg
Bên cạnh hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Nam quan tâm truyền thông, nâng cao nhận thức cho chị em. 

Để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm nguy hiểm này, công tác truyền thông và tập huấn kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm phòng, chống mua, bán người là giải pháp rất quan trọng và cần thiết. 

Tại huyện Thanh Liêm, ngay từ đầu năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội trong toàn huyện đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, tập huấn phòng chống mua, bán người tới đông đảo cán bộ, hội viên.

Từ đầu năm đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tổ chức và phối hợp tổ chức 16 hội nghị tuyên truyền, phổ biến những thông tin, kỹ năng, kinh nghiệm cơ bản về phòng, chống mua, bán người tại 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện, thu hút trên 3.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia.

Để công tác truyền thông, tập huấn đạt hiệu quả thiết thực, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Thanh Liêm đã mời các báo cáo viên có kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cũng như kỹ năng tuyên truyền miệng vững vàng của Công an huyện, Sở Tư pháp. Nội dung báo cáo viên chuyển tải tới cán bộ, hội viên, người dân chủ yếu tập trung vào giới thiệu những quy định của Luật Phòng, chống mua, bán người; đối tượng của tội phạm mua, bán người; một số phương thức, thủ đoạn phổ biến hiện nay của tội phạm mua, bán người; giải pháp phòng ngừa tội phạm mua, bán người… 

Để tập trung làm rõ về thủ đoạn của tội phạm mua, bán người, báo cáo viên còn mở rộng nội dung tuyên truyền về Luật An ninh mạng và các hành vi lừa đảo trên không gian mạng. Thông qua đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền của các cấp hội đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ. Trên địa bàn huyện Thanh Liêm thời gian qua không ghi nhận trường hợp chị em phụ nữ là nạn nhân của tội phạm mua, bán người.

Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về phòng, chống mua, bán người, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh Hà Nam cũng đã chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền phòng, chống mua, bán người cho cán bộ, hội viên, thành viên nhóm nòng cốt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. 

Theo bà Đoàn Thị Du, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm, việc tổ chức hội nghị truyền thông kết hợp tập huấn kỹ năng tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua, bán người cho cán bộ, hội viên phụ nữ là rất cần thiết. Bởi lẽ thủ đoạn lôi kéo dụ dỗ của tội phạm mua, bán người rất tinh vi, chủ yếu tác động đến tâm lý, tình cảm để lấy lòng tin của nạn nhân. Do vậy, kỹ năng tuyên truyền của hội viên phụ nữ đòi hỏi phải thực sự khéo léo, nhạy bén trong nhận diện hành vi, mềm dẻo trong giảng giải, thuyết phục và kiên quyết trong đấu tranh, phòng ngừa.

Có thể thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và những chính sách liên quan đến hoạt động mua, bán người được đẩy mạnh với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: Lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mua, bán người vào những hội nghị của tổ dân phố, sinh hoạt các đoàn thể, nhà trường; tổ chức nói chuyện chuyên đề cho học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, hội viên phụ nữ… Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến những phương thức, thủ đoạn, hậu quả của tội phạm mua, bán người; cảnh báo nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua, bán người… nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân.

Thông qua đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn kỹ năng tuyên truyền phòng, chống tội phạm mua, bán người đã giúp cán bộ, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trong tỉnh cũng như nhân dân địa phương có nhận thức đầy đủ, rõ ràng, cụ thể hơn về biểu hiện, hành vi của loại tội phạm này. Từ đó nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực phối hợp cùng các đơn vị, lực lượng chức năng tham gia đấu tranh với tội phạm mua, bán người ngay từ cơ sở.

Xuân Ngọc và nhóm PV, BTV