Đổi mới nội dung, hoạt động
Trong xu thế vai trò của giới nữ ngày càng nâng cao, internet và công nghệ số mở ra cánh cửa giúp phụ nữ tiếp cận nguồn tài nguyên kiến thức dồi dào, gia tăng cơ hội việc làm, mang lại sự linh hoạt trong cách làm việc, phụ nữ có thể làm việc từ xa, khởi nghiệp ngay tại chính ngôi nhà, địa phương của mình.
Các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp, kinh doanh trực tuyến nâng cao thu nhập, tiếp cận dễ dàng cuộc sống của phụ nữ, tăng cường khả năng tiếp cận với các dịch vụ chất lượng cao… góp phần hỗ trợ đảm bảo cuộc sống an sinh xã hội.
Bà Đặng Thị Lệ Thủy - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: “Thích ứng trước tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, Hội đã chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động.
Đây cũng là một trong những nhiệm vụ thực hiện khâu đột phá tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã đề ra, phù hợp với xu thế tiếp cận chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Đến nay, 100% cơ sở hội sử dụng phần mềm quản lý cán bộ, hội viên; dữ liệu về hội viên trên địa bàn tỉnh được cập nhật đầy đủ, giúp việc quản lý hội viên chính xác, khoa học.”.
Các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, chủ động, đổi mới nội dung, đa dạng, linh hoạt hình thức tuyên truyền trên các nền tảng số như Zalo, Facebook, fanpage, tổ chức các cuộc thi trực tuyến, phòng họp trực tuyến...
Hưởng ứng Đề án 06, cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực thực hiện và hướng dẫn người thân cài đặt, sử dụng ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử, cách thức đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến.
Toàn hội đẩy mạnh các mô hình tập hợp hội viên, phụ nữ trên không gian mạng, tranh thủ nguồn lực thực hiện Dự án “Công nhân khu công nghiệp thời đại kỹ thuật số” tại các trường học, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Ứng dụng trong khởi nghiệp
Xác định chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số là xu thế tất yếu, giúp phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũng như phương thức sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao cuộc sống.
Thời gian qua, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong triển khai Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 được các cấp hội thực hiện ngày càng đa dạng và hiệu quả.
Nhắc đến phụ nữ khởi nghiệp ở Tam Kỳ, không thể không nhắc đến chị Bùi Thị Tuyết Nhung - Giám đốc Hợp tác xã Nhàu Best One, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp TP.Tam Kỳ.
“Thời gian qua mình đã hỗ trợ thành viên câu lạc bộ kết nối, giúp đỡ nhau để phát triển thị trường. Đặc biệt là tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng số, livestream giới thiệu bán sản phẩm qua mạng, cùng hỗ trợ kinh nghiệm, giúp nhau trên con đường khởi nghiệp” - chị Nhung nói.
Tại Điện Bàn, Hội LHPN thị xã cũng đã nhanh chóng ra mắt Câu lạc bộ Phụ nữ Điện Bàn khởi nghiệp, tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo như: thành lập, ra mắt trang Fanpage “Sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp của Phụ nữ Điện Bàn”; tổ chức tọa đàm tham vấn “Giải pháp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong thời kỳ chuyển đổi số”, “Ứng dụng công nghệ thông tin trong phong trào, hoạt động hội”; Tổ chức livestream bán hàng gây quỹ, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia.
Với sự tích cực vào cuộc của các cấp hội phụ nữ, trên địa bàn Quảng Nam đã có 7.000 phụ nữ được tập huấn hỗ trợ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; hỗ trợ hiện thực hóa 115 ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ; duy trì 9 câu lạc bộ phụ nữ khởi nghiệp tại cấp huyện; hàng nghìn sản phẩm của hội viên, phụ nữ được giới thiệu trên không gian mạng; nhiều ý tưởng xuất sắc được vinh danh, được hỗ trợ nguồn lực để phát triển, mở rộng... lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ trên nền tảng số, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.
“Có thể nói, con đường vươn lên của phụ nữ trong thời đại công nghệ số đòi hỏi bản thân phải thay đổi suy nghĩ và hành động, tự tin đổi mới, tích cực học tập, nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu phát triển hiện nay.
Thời gian tới các cấp hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để phụ nữ có nhận thức tốt vai trò, vị trí của mình trong xã hội. Từ đó chủ động cân bằng cuộc sống, công việc, vượt qua rào cản giới, vượt qua sự tự ti, trì trệ trong tư duy và hành động để có thể tiếp cận với sự thay đổi của khoa học, công nghệ, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương” - bà Đặng Thị Lệ Thủy nói.
Theo THU HUỆ (Báo Quảng Nam)