Thời gian qua, phụ nữ Việt Nam không chỉ giỏi việc nước, đảm việc nhà mà nhiều chị em đã phát huy được năng lực, sở trưởng, có sức sáng tạo không ngừng vươn lên khởi nghiệp, phát triển thành công.
Để hiểu hơn về những cố gắng của phụ nữ, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về những cố gắng không ngừng nghỉ của chị em phụ nữ trên con đường khởi nghiệp.
Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên báo Tin tức. |
Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về sự hỗ trợ, giúp đỡ của chính quyền trong việc hỗ trợ lao động nữ thời gian qua?
Những năm gần đây, nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, các cấp Hội phụ nữ trên cả nước đã được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như các Bộ, ngành ở Trung ương quan tâm, thể hiện bằng các chương trình, đề án… chăm lo cho đội ngũ cán bộ, lao động nữ.
Các cấp Hội phụ nữ cũng rất vui mừng khi nhận được sự quan tâm chỉ đạo hết sức cụ thể của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, đặc biệt là Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành cho Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhiều chương trình, đề án cụ thể. Ví dụ như Đề án về phụ nữ khởi nghiệp. Đây là một trong những hoạt động hết sức có ý nghĩa, nhằm góp phần giúp chị em phụ nữ, trong đó có phụ nữ dân tộc thiểu số, phát triển.
Chị em được hỗ trợ về mặt kỹ thuật, tham gia các khóa tập huấn nâng cao trình độ. Gần đây nhất, Hội Liên hiệp Phụ nữ đã tổ chức tập huấn cho chị em về kỹ năng tổ chức, bán hàng online hay tham gia vào sàn thương mại điện tử…
Thời gian tới, Hội sẽ tổ chức trao giải thưởng cho phụ nữ khởi nghiệp, trong đó có nhiều chị em rất tiêu biểu là phụ nữ dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, các cấp, các ngành và địa phương đã tạo điều kiện để lao động nữ có điều kiện được tham gia vào các thị trường lao động. Chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc giúp đỡ, nâng cao kỹ năng, năng lực cho lao động nữ thông qua các chương trình đào tạo, dạy nghề cho lao động nữ. Chính vì vậy, lực lượng lao động nữ đã tham gia vào thị trường lao động và nhiều lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng tay nghề cao. Đây là những bước tiến mạnh mẽ.
Đời sống phụ nữ vùng đồng bào dân tộc còn rất khó khăn, vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, đặc biệt là nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Vậy Hội đã có những hỗ trợ như thế nào trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ dân tộc thiểu số?
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã có những chương trình, đề án rất cụ thể trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho phụ nữ vùng nông thôn, miền núi. Qua đó, đã góp phần quan trọng trong việc làm thay đổi nhận thức, hành vi của xã hội đối với phụ nữ; quan tâm, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội được tham gia các hoạt động xã hội.
Các cấp Hội phụ nữ cũng vận động xã hội, chị em tham gia việc cải tạo, thay đổi hành vi, lên án những hủ tục lạc hậu như: Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… góp phần giúp phụ nữ có điều kiện phát triển một cách toàn diện, đầy đủ hơn, phát huy vai trò của mình trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đặc biệt trong công tác phối hợp giữa Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ủy ban Dân tộc đã có những kết quả tích cực trong việc tuyên tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, hội viên, phụ nữ vùng dân tộc thiểu số; hoạt động phối hợp trong tổ chức hội thảo, nghiên cứu, tham mưu đề xuất chính sách mà điểm nhấn là đề xuất lồng ghép giới vào Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (viết tắt là Chương trình MTQG).
Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ và Ban Dân tộc các tỉnh, thành triển khai đến địa phương với các nội dung cụ thể, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên.
Cụ thể, xây dựng và nhân rộng các mô hình điểm về xóa đói giảm nghèo phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng vùng, chú trọng mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã, ứng dụng công nghệ 4.0 hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số kết nối, xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp sạch; củng cố, xây dựng mới mô hình địa chỉ an toàn, mô hình phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nhằm hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số xây dựng gia đình hạnh phúc.
Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân tộc cho cán bộ Hội các cấp; bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về giới, lồng ghép giới cho cán bộ là người dân tộc thiểu số và công chức, viên chức làm công tác dân tộc các cấp. Phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ dân tộc thiểu số tạo nguồn cán bộ kế cận đáp ứng được các yêu cầu về trình độ, phẩm chất, năng lực đảm nhiệm công tác tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần xây dựng và củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở vững mạnh.
Hiện nay nhiều phụ nữ đã vươn lên khởi nghiệp, trong đó có nhiều chị em là phụ nữ người dân tộc thiểu số. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN |
Nhờ sự phát triển của công nghệ cũng như sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, ngày càngxuất hiện nhiều nữ doanh nhân là người dân tộc thiểu số. Chị có đánh giá gì về vai trò của phụ nữ, doanh nhân là người dân tộc thiểu số?
Tôi cho rằng là phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi có rất nhiều thế mạnh và tiềm năng. Nếu đánh thức được tiềm năng đó chắc chắn họ sẽ có cơ hội phát triển cũng như phát huy tốt lợi thế sẵn có của mình. Đó là những kiến thức bản địa về văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở miền núi, mà họ là người rất am hiểu.
Tôi cho rằng phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng, đều có nhiều năng lực, sức sáng tạo. Đặc biệt phụ nữ dân tộc thiểu số luôn ẩn chứa trong mình những năng lực tiềm tàng, nếu chúng ta biết tận dụng được thì sẽ phát huy tối đa những giá trị văn hóa truyền thống mà chính họ là những người bảo tồn, lưu giữ và thậm chí họ là những người sẽ tiếp tục trao truyền giá trị văn hóa này cho mai sau.
Vì vậy, thời gian qua, Hội đã cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tổ chức rất nhiều hoạt động đồng hành với phụ nữ, đặc biệt là chương trình, đề án về phụ nữ khởi nghiệp.
Chúng tôi rất tự hào và cảm động khi thấy ngày càng nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đã tham gia vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh hiệu quả. Tiêu biểu như chị Lý Thị Ninh, dân tộc Mông ở xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái là một trong những nữ doanh nhân thành đạt. Chị Ninh là một trong số những người truyền cảm hứng cho phụ nữ người dân tộc thiểu số tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương, biến những di sản trở thành tài sản để phụ nữ làm giàu ở địa phương, đặc biệt là việc lưu giữ và trao truyền, bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp.
Trong thời gian tới, Hội sẽ có những chương trình, đề án, kế hoạch gì để tiếp tục phát huy hết những khả năng vốn có của các nữ doanh nhân, thưa chị?
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã được Chính phủ giao thực hiện chủ trì đề án phụ nữ khởi nghiệp. Gần đây nhất, Hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 18 về hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế. Đây là những điều kiện và cũng là căn cứ hết sức quan trọng để hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò của mình để vươn lên, khởi nghiệp thành công.
Bên cạnh đó, Hội cũng đã thật sự là người bạn đồng hành cùng với phụ nữ dân tộc thiểu số để họ tiếp tục có những sáng tạo, những cống hiến để cùng cộng đồng, xã hội phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nhất là đưa vùng dân tộc thiểu số, miền núi ngày càng phát triển.
Xin trân trọng cảm ơn chị!
Theo TTXVN