Đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 217/KH-UBND ngày 5/10/2020 thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng Thừa Thiên Huế thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Khẳng định, tài chính toàn diện mang lại những lợi ích, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt hướng lợi ích đến các đối tượng có năng lực tài chính trung bình thấp và dễ bị tổn thương là chia sẻ của ông Phạm Bá Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thừa Thiên Huế chia sẻ với báo chí: theo kế hoạch thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, UBND tỉnh đã đề ra nhiều mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 70% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác.

Tiến tới mục tiêu mỗi người trưởng thành có ít nhất một tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác vào năm 2030; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (chi nhánh, PGD của tổ chức tín dụng và đại lý ngân hàng, ngoại trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của NHCSXH)...

Khẳng định việc thực hiện chiến lược tài chính toàn diện sẽ kéo gần khoảng cách giữa thành thị và nông thôn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, ông Nam dẫn chứng, CLTCTD đã giúp cho mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu, chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.

Hiện, hệ thống pháp lý ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện tài chính toàn diện.

Nhờ đó, mạng lưới cung ứng dịch vụ tài chính ngân hàng trên địa bàn cũng ngày càng được mở rộng, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân và doanh nghiệp. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 28 chi nhánh ngân hàng, trong đó: 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với 141 điểm giao dịch tại phường, xã; 1 chi nhánh Ngân hàng Phát triển khu vực Thừa Thiên Huế - Quảng Trị, 11 chi nhánh Ngân hàng cấp III thuộc Ngân hàng NN&PTNT tỉnh và 94 PGD trực thuộc chi nhánh; 12 công ty tài chính có điểm giới thiệu dịch vụ đang hoạt động trên địa bàn; 7 QTDND; 1 Quỹ đầu tư phát triển và 1 Quỹ bảo lãnh tín dụng của chính quyền địa phương; 3 chương trình, dự án tài chính vi mô của các tổ chức chính trị - xã hội.

Thời gian qua, ngành ngân hàng tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán, tích hợp số hóa và công nghệ số vào các sản phẩm, dịch vụ tài chính. Hiện nay, 100% các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã thực hiện đa kênh cung cấp các dịch vụ Internet Banking, Mobile Banking; 100% ngân hàng đã có phương án triển khai giải pháp định danh điện tử eKYC cho khách hàng mở tài khoản thanh toán trên hệ thống thanh toán trực tuyến của đơn vị. Các giải pháp thanh toán qua ứng dụng Hue-S, thanh toán phí, lệ phí tại trung tâm hành chính công các cấp được triển khai mạnh mẽ.

Theo ông Nam, hiện nay, mô hình tổ chức của các TCTD ngày càng hiện đại, đồng thời các dịch vụ ngân hàng ngày càng mở rộng và phát triển, đặc biệt là tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đem lại nhiều tiện ích cho người dân. Hạ tầng công nghệ ngày càng được đồng bộ, các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa, nhiều tiện ích và dịch vụ ngân hàng được đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách về cấp tín dụng cũng được thông thoáng hơn đã giúp cho nhiều đối tượng có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh.

Với những mục tiêu cụ thể mà LCTCTD đặt ra, Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung chỉ đạo các TCTD tiếp tục tập trung tín dụng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, phục hồi kinh tế, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Chính phủ. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các TCTD phát triển mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, máy ATM, POS, kênh cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng ở vùng nông thôn, vùng chưa có hoặc có ít dịch vụ ngân hàng, mật độ còn thấp. Củng cố, phát triển hoạt động của các QTDND, tổ chức tài chính vi mô. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Xử lý kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh của người dân liên quan đến hoạt động tài chính, ngân hàng.

"NHNN và các TCTD sẽ tiếp tục triển khai việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn đi đôi với việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng. Tiếp tục đổi mới, cải cách mạnh mẽ thủ tục cấp tín dụng và dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định cho vay nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay và phù hợp với quy định của pháp luật. Phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tài chính trên địa bàn", Phạm Bá Nam cho biết.

 Tuấn Anh, Anh Dũng, Thanh Bình