Tại Phú Thọ, quá trình chuyển đổi số đã huy động được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, từng bước đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan Nhà nước; thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thay đổi phương thức sống, làm việc, thụ hưởng của người dân.
Hoạt động chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực với nhiều giải pháp quyết liệt nhằm từng bước thay đổi thói quen, cách làm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cũng như thực hiện nhiệm vụ chuyên môn bằng chính công nghệ số và nền tảng, dữ liệu số,... từ đó mang lại nhiều tiện ích cho người dân. Xin đưa ra vài đơn cử:
Công nghệ số tạo diện mạo và sức sống mới cho Báo Phú Thọ
Cùng với sự phát triển của báo chí cả nước, Báo Phú Thọ đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt, từ sau thời kỳ đổi mới, bắt nhịp cùng sự phát triển chung của báo chí hiện đại.
Năm 2005, Báo Phú Thọ điện tử ra đời tạo thêm một kênh thông tin sinh động, hấp dẫn, khẳng định bước đón đầu và hội nhập vào xu thế tất yếu của hội tụ truyền thông, đa phương tiện.
Sau 17 năm hoạt động, hiện nay Báo Phú Thọ điện tử đã vượt mốc 235 triệu lượt người truy cập với giao diện hiện đại, đẹp mắt, tích hợp được nhiều chức năng thỏa mãn đồng thời nhiều nhu cầu của người đọc người xem và người nghe.
Các hình thức trình bày như E-magazine, long-form, Infographic, video clip thể hiện tính chuyên nghiệp, tạo bước ngoặt thay đổi về mặt trình bày. Bắt nhịp với xu thế phát triển đa nền tảng, Báo Phú Thọ đã phát triển các kênh trên nền tảng mạng xã hội facebook, tiktok, youtube, podcast…, góp phần đưa thông tin đến bạn đọc nhanh, chính xác, hấp dẫn hơn.
Có nhiều đột phá trong đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào làm báo, các kỹ thuật in màu, in ốp sét, sử dụng công nghệ thông tin được vận hành, tạo diện mạo và sức sống mới cho tờ báo.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ nỗ lực triển khai mô hình bệnh viện thông minh
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng để nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, những năm gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đã và đang nỗ lực triển khai mô hình bệnh viện thông minh, tích cực chuyển đổi số một cách mạnh mẽ, đồng bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao.
Trong bối cảnh số lượng người bệnh đến khám và điều trị ngày càng tăng, trung bình từ 1.500 - 1.800 lượt người đến khám bệnh, trung bình 1.400 - 1.600 người bệnh nội trú; diễn biến bệnh ngày càng phức tạp, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm cải tiến quy trình để đáp ứng nhu cầu tiếp nhận số lượng người bệnh lớn, giảm thời gian chờ đợi khám bệnh, tối ưu hiệu quả chẩn đoán và điều trị, phục vụ tốt nhất cho người bệnh, đặc biệt là người bệnh hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
Năm 2013, Bệnh viện đã trở thành bệnh viện đầu tiên trên cả nước triển khai phần mềm “Giải pháp bệnh viện thông minh HIS”, tiếp đó là chương trình thẻ khám bệnh thông minh “Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia” vào năm 2014. Liên tục cập nhật những xu hướng phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, Bệnh viện đã đưa vào sử dụng ứng dụng PACS cho phép lưu trữ trực tuyến toàn bộ dữ liệu chẩn đoán hình ảnh một cách chính xác bao gồm: Chụp Xquang, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ, siêu âm… Sau khi chụp chiếu xong, toàn bộ hình ảnh sẽ ngay lập tức được truyền tới màn hình của bác sĩ chẩn đoán, đáp ứng yêu cầu của các khoa lâm sàng, giúp bác sĩ đọc kết quả nhanh chóng, chính xác mà không cần chờ có bản in. Qua đó, góp phần rút ngắn thời gian chờ đợi, thời gian khám, chẩn đoán, điều trị của cả người bệnh và bác sĩ.
Ngoài ra, Bệnh viện triển khai ứng dụng Hệ thống vận chuyển mẫu tự động bằng phương pháp hút chân không LIS từ các khoa lâm sàng về phòng xét nghiệm giúp vận chuyển mẫu nhanh, tiết kiệm thời gian, nâng cao chất lượng mẫu, đảm bảo kết quả xét nghiệm một cách chính xác nhất...
Cục Thuế tỉnh duy trì thứ hạng cao trong chuyển đổi số
Theo Quyết định số 10/QĐ-UBND ngày 3/1/2024 của UBND tỉnh Phú Thọ về công bố kết quả Bộ Chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước tỉnh Phú Thọ năm 2023, Cục Thuế Phú Thọ được xếp đứng thứ nhất trong số các sở, ban, ngành, các huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được xếp hạng.
Kết quả được đánh giá theo các tiêu chí chính gồm: thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin, hoạt động chính quyền số (gửi nhận văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến, cổng/trang thông tin điện tử, hệ thống hội nghị trực tuyến, ứng dụng phần mềm nội bộ, hệ thống truyền thanh), kinh tế số, xã hội số.
Trong đó, Cục Thuế Phú Thọ đứng đầu, xếp loại tốt, với tổng điểm là 837,5 điểm. Đáng chú ý trong số các tiêu chí này tiêu chí hoạt động chính quyền số đạt cao nhất, với 547,5 điểm; tiêu chí an toàn thông tin đạt 100 điểm; tiêu chí thể chế số đạt 90 điểm; tiêu chí hạ tầng số đạt 70 điểm...
Cho đến nay, Cục Thuế Phú Thọ đã duy trì thành công cho 100% tổ chức, doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử trong bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; có trên 556 đơn vị đã triển khai hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền, đạt 120% kế hoạch năm 2023; duy trì thực hiện tốt công tác cấp mã số thuế, bảo đảm 100% trường hợp được cấp mã số thuế đúng thời gian quy định, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai tốt việc đăng ký mã số thuế doanh nghiệp; thực hiện quản lý kê khai đầy đủ, nâng cao chất lượng kê khai, triển khai tốt kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, với số hồ sơ khai thuế đã nộp năm 2023 đạt 99,26%.
V.v...V.v..
Một vài ví dụ trên là minh chứng sống động cho thấy tinh thần chuyển đổi số đã lan toả rộng khắp ở Phú Thọ.
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ Lê Quang Thắng chia sẻ, với quyết tâm chính trị cao, cách làm bài bản, công tác chỉ đạo sâu sát, quyết liệt từ việc xây dựng thể chế, tinh thần nỗ lực “vượt khó” từ tỉnh đến cơ sở, từ người đứng đầu đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, công tác chuyển đổi số nói chung và xây dựng chính quyền số nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định.
Kết quả xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số đã góp phần tăng thứ hạng các chỉ số của tỉnh như: Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh - DTI xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố, trong đó hạ tầng số xếp thứ 6/63 tỉnh thành phố, chính quyền số xếp thứ 21/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công - PAPI xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính - SIPAS xếp thứ 8/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số PCI xếp thứ 24/63 tỉnh, thành phố. Từ đó, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tác động toàn diện đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Yên Minh