Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới được UBND tỉnh Phú Thọ xác định là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, triển khai một cách chủ động, linh hoạt với ba trụ cột là phát triển chính quyền số ở nông thôn, phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn, phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn.

Đến nay, toàn tỉnh Phú Thọ có 133/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn thông minh góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển mạnh, trình độ sản xuất của nông dân dần được chuyên nghiệp hóa, giúp diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Một cơ sở ứng dụng công nghệ số trong quá trình sản xuất. 

Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương đẩy nhanh tiến độ số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, nền tảng truy xuất nguồn gốc đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số gắn kết với Chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Đẩy mạnh hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản, phát triển ngành nghề, dịch vụ phụ trợ nông nghiệp. Đồng thời, khuyến khích sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành của các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số, các chuyên gia về chuyển đổi số trong nông nghiệp phục vụ xây dựng nông thôn mới.

Cụ thể, triển khai các ứng dụng thanh toán trực tuyến; phối hợp, hỗ trợ các nhà cung cấp, nhà sản xuất, các hợp tác xã, làng nghề, trang trại giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (Giaothương.net.vn; nongsan.phutho.gov.vn, Postmart-VNPost, Viettelpost; Cổng truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa của tỉnh, mạng Internet, các ứng dụng livestream bán hàng trực tuyến...) đối với các sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP từ hạng 3 sao trở lên. Qua đó, giúp các hộ nông dân, hợp tác xã đưa ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, sản lượng và đẩy mạnh tiếp thị các sản phẩm, hàng hóa nông sản ra thị trường.

Sở Thông tin và Truyền thông ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới mới nâng cao, kiểu mẫu. Phối hợp chặt chẽ với các ngành thẩm định các xã xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao theo Tiêu chí số 8 về thông tin và truyền thông.

Đồng thời, Sở tăng cường hướng dẫn, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách, pháp luật về thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin truyền thông. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông trên nền tảng công nghệ số nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, phát huy vai trò trung tâm của người dân tham gia thực hiện chuyển đổi số phục vụ xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn thông minh.

Để lan tỏa công nghệ số, nền tảng số đến từng ngõ ngách của đời sống, Sở Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn các địa phương triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trong hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng gắn với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao nhận thức và kỹ năng số; trong đó, có kỹ năng quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản qua các kênh, nền tảng trực tuyến, mạng Internet.

Đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn thành lập tổ công nghệ số cộng đồng; 2.356 tổ công nghệ số cộng đồng với 7.454 thành viên được phổ cập trực tuyến kiến thức, kỹ năng số theo chương trình phối hợp giữa Sở Thông tin và Truyền thông với Cục Chuyển đổi số. 509 cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã được đào tạo trực tuyến khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số thông qua nền tảng học trực tuyến tại địa chỉ: https://onetouch.edu.vn.

Hết tháng 6/2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 100% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu về thông tin và truyền thông theo Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 100% các điểm bưu điện văn hóa xã được trang bị máy tính kết nối Internet để người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Hơn 81% người dân có điện thoại thông minh, 75% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng thông rộng. 

Tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến của các xã xây dựng nông thôn mới đạt 50%, xã nông thôn mới nâng cao đạt 65%. 82% người dân trong độ tuổi lao động được phổ biến kiến thức về máy tính và kỹ năng số cơ bản.

100% nhà văn hóa dân cư ở các xã nông thôn mới nâng cao được lắp đặt wifi miễn phí, giúp người dân có thể truy cập Internet dễ dàng ở mọi nơi trên địa bàn, cập nhật thông tin, tìm hiểu các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của tỉnh, huyện, địa phương bằng điện thoại thông minh.

Các cơ quan báo chí tuyên truyền xây dựng, duy trì các chuyên mục, tiểu mục “Chuyển đổi số”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Nông nghiệp nông thôn Phú Thọ”, “Chung sức xây dựng nông thôn mới” với tổng số gần 1.000 lượt tin, bài mỗi năm.

Hệ thống Cổng/trang thông tin điện tử và mạng xã hội được phát huy vai trò lan tỏa thông tin thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nhanh chóng, đặc biệt là các thông tin về ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh và dịch vụ trong nông nghiệp; việc phát triển các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm; việc đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP gắn với du lịch.

Để Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025 thực sự đi vào chiều sâu, hiệu quả và thiết thực, thời gian tới, tỉnh Phú Thọ đẩy mạnh phát triển, nâng cấp cơ sở hạ tầng số nông thôn; phát triển hạ tầng, kết nối Internet băng rộng chất lượng cao (hạ tầng mạng di động 4G, 5G, hạ tầng kết nối IoT) đến các thôn, bản. Mục đích nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông của người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; tiến tới phổ cập hạ tầng kỹ thuật số với mục tiêu mỗi hộ nông dân đều có điện thoại thông minh và cáp quang để truyền thông tin kỹ thuật số đến nông dân. 

Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin phát triển hạ tầng số, từng bước xây dựng nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh. Cung cấp các nền tảng số hỗ trợ các chủ thể chuyển đổi số công tác quảng bá gắn với kết nối tiêu thụ sản qua các kênh, nền tảng trực tuyến, mạng Internet. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy nhanh tiến độ triển khai số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp số hóa quy trình sản xuất, hướng tới tích hợp và minh bạch hóa sản phẩm bằng hệ thống đọc mã QR.

Tuấn Anh và nhóm PV, BTV